Thực chất, nhà đầu tư "chơi vàng" giống như đang chơi bạc mà phần thua thiệt luôn hướng về họ, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi với PV báo điện tử Người đưa tin về vấn đề này.
Hậu quả khó lường
Ông suy nghĩ gì khi có nhiều người đầu tư vàng tài khoản, trong khi kênh đầu tư này đang bị cấm?
Trong khi nguồn vốn căng thẳng, cung- cầu không đáp ứng thì những hình thức lậu lại lộ ra, kể cả trong tín dụng, vàng. Đây là một biểu hiện không lành mạnh, nó sẽ đe dọa quyền lợi của người đầu tư. Những sàn vàng "chui" nằm ngoài vòng kiểm soát của pháp luật, nó không chịu bất cứ sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý.
Nhà đầu tư lao vào sàn vàng "chui" như tham gia canh bạc nguy cơ gặp rủi ro là rất lớn. Thực tế, khi tiền đồng rớt giá, vàng đang là kênh trú ngụ an toàn trong khi Nhà nước đang quản chặt khiến sàn vàng "chui" một hiện tượng không lành mạnh nảy sinh và bùng phát.
Ông Cao Sỹ Kiêm.
Vậy theo ông, các cơ quan quản lý Nhà nước cần bày tỏ thái độ như thế nào về vấn đề này?
Tôi nghĩ các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cần thông báo công khai những vi phạm, và có cách quản lý để dẹp đi hiện tượng này đảm bảo quyền lợi cho người dân. Thêm vào đó, các cơ quan cũng phải tuyên truyền rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng, cùng với việc giám sát để dân hiểu, tránh lao vào những trò rủi ro mà pháp luật không bảo vệ. Sàn vàng "chui" phát sinh nhiều hậu quả khó lường, thậm chí làm hỗn loạn thị trường tiền tệ tạo ra áp lực lớn cho an ninh kinh tế, xã hội.
Người dân đang bị lôi kéo vào "mê hồn trận" do các sàn vàng "chui" dựng lên như tặng 5% tiền mặt vào tài khoản. Bởi vì, càng nhiều nhà đầu tư sàn vàng "chui" càng thu được nhiều phí. Hoạt động này khá công khai, nhưng tại sao không bị xử lý, thưa ông?
Việc điều tiết sàn vàng có các cơ quan trực tiếp như Ngân hàng Nhà nước, quản lý thị trường, công an kinh tế... Quy định xử phạt khi có vi phạm đã rõ ràng. Bây giờ, tôi nghĩ các cơ quan này cần có sự phối hợp, hành động dứt điểm, đúng vị trí để giải quyết vấn đề này. Các cơ quan trên cùng hành động sẽ có thể ngăn chặn sự bùng phát của sàn vàng "chui" tránh được sự rủi ro cho người dân. Và trong trường hợp có những vấn đề xấu xảy ra thì các cơ quan có kết luận để xử lý, như vậy kinh tế- xã hội mới nghiêm được.
Xử lý nghiêm ngân hàng liên kết với sàn vàng "chui"
Thực tế, Nhà nước cấm nhưng các sàn vàng "chui" vẫn hoạt động khá công khai dường như ít có sàn vàng nào bị xử lý?
Mặc dù đã có những cố gắng từ phía Nhà nước trong quản lý kinh doanh vàng nhưng với kinh doanh vàng tài khoản (sàn vàng “chui”) thì cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đang làm liều. Thêm vào đó, việc kiểm tra, kiểm soát của mình không nghiêm, không kịp thời nên sàn vàng "chui" cứ thế bung ra tự do, vô pháp luật.
Vậy theo ông nên xử lý những sàn vàng "chui" như thế nào?
Tôi cho rằng cần phải phát hiện và dẹp bỏ sàn vàng "chui". Còn chính sách của Nhà nước để điều tiết vấn đề này là cần sớm ban hành Nghị định về quản lý vàng. Hiện nay, Nghị định này đã đến giai đoạn hoàn tất và đang trình Chính phủ. Trên cơ sở có Nghị định quản lý, các cơ quan quản lý cần triển khai mạnh mẽ những gì được phép và "bóp" lại những gì bị cấm, trong đó có sàn vàng "chui". Như thế, dần dần sàn vàng "chui" sẽ bớt đi và tự động co lại.
Phía sau những sàn vàng "chui" liệu có sự liên kết ngầm với các ngân hàng, việc này có đáng báo động không thưa ông?
Đây chính là lỗ hổng, nếu các ngân hàng tham gia với sàn vàng "chui" là tự mình gây áp lực, gây rối loạn cho mình. Khi sự lộ liễu, phát triển tự do của các sàn vàng "chui" sẽ làm mất hiệu lực của sự quản lý chính thống. Vì thế, tôi nghĩ bản thân các ngân hàng tham gia vào hoạt động này nếu phát hiện ra cũng bị xử lý. Làm được như thế, chúng ta mới giải quyết triệt để những vấn đề tồn tại của sàn vàng "chui".
Hiện nay, một số chuyên gia thì cho rằng thay vì cấm Nhà nước nên cho phép mở lại sàn vàng sau đó thu thuế và quản lý chặt. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Vấn đề này phải dựa trên cơ sở triển khai Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nếu như Nhà nước đã giải quyết được hết những khe sở thì mới bổ sung, vận dụng quản lý để cho phép những vấn đề mới. Chính sách mới ra, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa làm được hết, chưa quản lý chặt được lại đưa thêm những điều mới vào vận dụng thì không được.
Vậy cá nhân ông ủng hộ hay không ủng hộ việc tái lập lại sàn vàng, để nhà đầu tư được kinh doanh vàng tài khoản?
Tôi không ủng hộ việc tái lập sàn vàng. Bởi các gì đã nằm ngoài vòng kiểm soát là nguy cơ rủi ro rất lớn. Kể cả khi triển khai Nghị định mới thì những hoạt động của sàn vàng "chui" cũng không đáp ứng nhu cầu để được kinh doanh, do vậy tôi cho rằng phải cấm!
Xin cảm ơn ông!
Khánh Nguyễn (thực hiện)