Báo Tuổi Trẻ đưa tin, các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) vừa xổ thành công một con sán xơ mít dài hơn 8m trong người bệnh nhân nam N.V.Đ. (48 tuổi, trú xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc). Bệnh nhân này nhập viện với tình trạng rối loạn tiêu hóa, ra từng đốt sán và được các bác sĩ cho uống thuốc xổ sán. Hiện, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và làm thủ tục xuất viện về nhà.
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân Đ., theo các chuyên gia sốt rét – Ký sinh trùng, sán xơ mít (còn gọi là sán dây, bao gồm 2 loại là sán dây lợn và sán dây bò-PV) có thể ký sinh ở người dưới hình thức ấu trùng và sán trưởng thành.
Đối với bệnh ấu trùng, tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà bệnh nhân có những biểu hiện khác nhau như: Nổi nốt ở dưới da bằng hạt gạo, không gây ngứa, không đau; hoặc nặng hơn, người bệnh có thể bị liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, đau đầu dữ dội...
Với những người mắc sán dây trưởng thành, các triệu chứng chủ yếu thường là đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ; người nhiễm bệnh nặng có thể thấy những đốt sán rụng ra theo phân hoặc “tự bò” ra ngoài hậu môn trong sinh hoạt hàng ngày.
BS. Nguyễn Trung Cấp, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, khi nhiễm sán dây sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, thể chất, tinh thần và trí tuệ, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Thông thường, tác hại có thể thấy rõ ở một người bị nhiễm sán là cơ thể sẽ bị những con sán này lấy hết chất dinh dưỡng dẫn đến gầy gò, xanh xao, suy dinh dưỡng…
Cũng theo BS. Cấp, trứng và ấu trùng của sán dây trong cơ thể con lợn thường tập trung ở phần thịt bắp, gân, mỡ và tiết lợn. Vì thế, người dân có thói quen ăn các món gỏi, tái chế biến từ thịt lợn (đặc biệt tiết canh lợn) rất dễ có nguy cơ nhiễm sán. Điều nguy hiểm, ấu trùng sán dây lợn lây lan nhanh ở những vùng có sử dụng phân tươi để tưới trực tiếp lên các loại rau, củ, quả và nếu ăn phải các loại rau được tưới bón dưới hình thức trên, nguy cơ nhiễm sán dây lợn cũng rất cao.
Không dừng lại ở đó, sán dây ký sinh trong cơ thể trâu, bò (sán dây bò) cũng là tác nhân gây bệnh, vì vậy người dùng cần cảnh giác với các món phở bò tái, nộm thịt bò, thịt trâu để tránh gây hại cho sức khỏe.
Để phát hiện và điều trị sán dây, BS. Cấp khuyến cáo, khi thấy cơ thể có các biểu hiện mệt mỏi, gầy gò, xanh xao; hay xuất hiện các cơn đau bụng nhẹ, các đốt sán kèm theo phân khi đi ngoài hoặc rụng ra ngoài trong quá trình tắm, khi ngủ, người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được làm xét nghiệm kiểm tra.
“Khi điều trị sán dây, cần có sự chỉ định của bác sĩ, người bệnh không tự ý thực hiện tại nhà. Điều đặc biệt lưu ý, không nên tẩy sán đối với người có thể trạng yếu, phụ nữ mang thai, người bị suy tim, suy thận. Sau 3 tháng tẩy sán không thấy xuất hiện đốt sán bò ra ngoài mới thành công”, BS. Cấp tư vấn.
N.Giang