Người lớn tuổi "lấn sân" người trẻ
Theo dự báo dân số của Tổng cục Thống kê vào năm 2010 thì tỷ lệ người cao tuổi so với tổng dân số ở Việt Nam sẽ đạt đến con số 10% vào năm 2017 và đây cũng là thời điểm dân số Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn “già hóa”. Như vậy, cùng với việc gia tăng nhanh chóng số lượng người lớn tuổi trong xã hội thì nhu cầu về vui chơi, giải trí ... của đối tượng khán giả này cũng ngày càng lớn.
Tuy nhiên các chương trình giải trí dành cho người lớn tuổi hiện nay vẫn còn quá khiêm tốn. Tính tới thời điểm hiện tại, chỉ có một vài nhà đài là có chương trình dành riêng cho người lớn tuổi như: Chương trình Vui – Khỏe – Có ích (của đài VTV), chương trình Tiếng hát mãi xanh (của đài HTV), chương trình Chuyện tuổi già (đài Hà Nội) … Ngoài ra những gameshow truyền hình, các chương trình về âm nhạc, điện ảnh, phim truyền hình … cũng đều hướng tới đối tượng là khán giả trẻ.
Thực tế này bắt buộc nhiều khán giả lớn tuổi phải “lấn sân” sang các sân chơi cho người trẻ hoặc những sân chơi phổ thông như: Ai là triệu phú, Hãy chọn giá đúng, Chiếc nón kỳ diệu, thậm chí là chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam …
So sánh với những nước trong khu vực như Nhật Bản, Thái Lan, Singapore … chúng ta thấy họ đều có những kênh riêng phục vụ cho khán giả lớn tuổi với những đặc điểm riêng biệt, phù hợp với lứa tuổi người xem.
Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra hiện nay là tại sao nhiều nhà sản xuất, nhiều đạo diễn lại “né” thực hiện chương trình cho người lớn tuổi? Đâu là những lý do chính khiến họ thờ ơ, không mặn mà sản xuất những chương trình như vậy. PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Kim Dung, Tổng giám đốc Công ty Sen vàng - đơn vị sản xuất hàng loạt gameshow đình đám, chương trình truyền hình thực tế,... để làm rõ vấn đề trên.
Chương trình phục vụ người lớn tuổi vẫn phong phú?
Thưa bà, bà nhận định sao về thực tế các chương trình giải trí dành cho người lớn tuổi hiện nay ít được chú trọng?
Thực tế người lớn tuổi họ thích xem gameshow hơn là tham gia gameshow. Bạn sẽ nhìn thấy là một chương trình hoặc truyền hình thực tế hoặc gameshow muốn thu hút khán giả thì yếu tố thí sinh là rất quan trọng, mà hầu hết người lớn tuổi đều không đủ sức để tham gia các chương trình dài hơi như vậy. Chúng tôi cũng từng làm những nghiên cứu để sản xuất chương trình thực tế/gameshow cho người lớn tuổi nhưng tính khả thi không có.
Nhiều ý kiến cho rằng việc sản xuất chương trình cho người lớn tuổi sẽ không có lợi nhuận nên nhà sản xuất không muốn mạo hiểm. Bà nghĩ sao về điều này?
Chúng ta khoan bàn đến việc lợi nhuận bởi ngay cả việc tổ chức sản xuất cũng sẽ rất khó vì sẽ không có yếu tố thí sinh.
Như đã nói hiện nay chúng ta đang thiếu các chương trình giải trí cho người lớn tuổi. Liệu các nhà sản xuất đang phớt lờ “miếng bánh” này hay họ chưa có hướng đi phù hợp?
Người lớn tuổi thì vẫn có thói quen xem phim dài tập, các chương trình sức khoẻ cho người lớn tuổi, du lịch, các chương trình ca nhạc trữ tình, dân ca – dạng vừa xem vừa … ngủ. Ngoài ra, người lớn tuổi vẫn thích xem các gameshow chung với con cháu. Cho nên thực tế các chương trình để phục vụ người lớn tuổi hiện vẫn rất nhiều và rất phong phú.
Việc thiếu các kênh riêng biệt cho người lớn tuổi ảnh hưởng thế nào tới ý định sản xuất những chương trình cho người lớn, thưa bà?
Các nhà sản xuất hiện nay luôn làm các chương trình dựa trên các số liệu nghiên cứu nên tôi nghĩ là hiện nay người lớn tuổi vẫn đang rất vui với các kênh và các chương trình đang có.
Vậy chúng ta phải làm gì để thời gian tới, nhiều chương trình giải trí sẽ hướng tới người lớn tuổi nhiều hơn?
Các bạn trẻ thì luôn nghĩ mình là người lớn, nhưng ngược lại thì người lớn tuổi luôn nghĩ mình còn trẻ. Thế nên, theo tôi thì làm sao để người người lớn tuổi cùng tận hưởng các chương trình với số đông công chúng trung niên thì sẽ giúp họ trẻ hơn, vui hơn, hơn là chúng ta khu biệt họ thành những người già! Điều cần cải tiến có thể là các chương trình sức khoẻ, du lịch … được làm chất lượng cao hơn, tính tương tác cao hơn. Tôi nghĩ như vậy sẽ hài hòa tất cả yếu tố, vừa đáp ứng được nhu cầu người xem lớn tuổi, vừa dễ “tương thích” hơn với tất cả khán giả.
Xin cảm ơn bà.
Phạm Văn