Sáng chế máy thở giúp cha chữa bệnh hiểm nghèo

Sáng chế máy thở giúp cha chữa bệnh hiểm nghèo

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

Từ những kiến thức ít ỏi của một thợ sửa chữa điện tử, sau bao ngày đêm miệt mài nghiên cứu, Đức đã chế tạo thành công máy thở cá nhân, giúp cha duy trì sự sống.

"Kỹ sư bất đắc dĩ"

Võ Văn Đức ở xã Nam Kim, huyện Nam Đàn (Nghệ An) được nhiều người biết đến là người đã sáng chế ra máy thở cá nhân giúp bố chữa bệnh và được ứng dụng cho nhiều người bệnh khác. Đức trở nên nổi tiếng với sáng chế máy thở cá nhân nhưng ít ai biết được rằng, khi sinh ra và lớn lên, Đức đã gặp phải những hạn chế về phát triển bản thân, khiến người thân đêm ngày lo lắng.

Bà Phạm Thị Liên, mẹ Đức cho biết: "Khi sinh ra nó đã không giống những đứa trẻ bình thường. Đến tuổi biết đi nó vẫn phải nhờ mẹ, cha hoặc chị gái cõng vì đôi chân quá yếu không thể đi lại được nhiều. Gia đình lo lắm, nghĩ rằng, lớn lên kiểu gì nó cũng bị dị tật. Rất may Đức lớn lên bình thường như bao thanh niên khác.

Pháp luật - Sáng chế máy thở giúp cha chữa bệnh hiểm nghèo

Chiếc bóng hơi cung cấp khí cho người bệnh mà trong y học vẫn dùng.

Học xong cấp 3, Đức chọn đi học nghề sửa chữa thay vì giấc mơ đại học. Với sự chăm chỉ và có chút năng khiếu, chỉ thời gian ngắn, Đức đã là thợ "lành nghề", trở thành trụ cột nuôi sống gia đình.

Đầu năm 2010, cha của Đức là ông Võ Văn Tùng đổ bệnh. Các cơ hô hấp cứ bị liệt dần, bác sĩ phải đặt nội khí quản cho ông. Để chữa căn bệnh suy đường hô hấp của ông Tùng, bao nhiêu tài sản trong gia đình đã phải đội nón ra đi.

Sau 5 tháng điều trị tại bệnh viện, tốn bao nhiêu tiền của nhưng không thuyên giảm, gia đình đành đưa ông Tùng về chăm sóc tại nhà và chấp nhận chờ điều xấu nhất xảy ra.

Trong quá trình chữa bệnh tại nhà, cái khó là ông Tùng không thể thở được nếu không có sự trợ giúp của máy truyền ô xy. Máy truyền này vẫn phải cần sự trợ giúp của con người là phải bóp tay liên tục để ôxy dồn xuống.

Những người trong gia đình phải thay nhau thức đêm bóp máy truyền ôxy cho ông Tùng. Nhiều đêm, nhìn cảnh mẹ ngồi bóp ô xy cho cha thở Đức không khỏi xót xa. Thương mẹ, thương cha, Đức nung nấu ý tưởng chế tạo ra một cái máy tự động truyền ôxy cho người bệnh thay bằng cứ phải ngồi bóp bằng tay.

Bắt đầu làm, Đức gặp không ít thử thách bởi dụng cụ và công nghệ mình có trong tay là quá thô sơ. Đức đã chắp vá các vật dụng, trên những nguyên lý học, đọc được và thành công.

Báo hiếu cha, phần thưởng cho chính mình

Cầm trên tay chiếc máy thở cá nhân, Đức nói với vẻ đầy tự hào: "Về cấu tạo, nó đơn giản thôi, chỉ cần một trục khuỷu gắn với một động cơ. Động cơ làm trục khuỷu quay và đè lên chiếc bình nhựa. Sự chuyển động tịnh tiến làm chiếc bình nhựa nén hơi rồi thả ra dẫn khí vào buồng phổi cung cấp cho người bệnh.

Tuy nhiên, để nó hoạt động mà không bị sự cố lại không hề đơn giản tí nào cả...". Bước đầu, Đức vẽ mô hình lên giấy là cần phải có một máy mô -tơ có trục quay hoạt động, cánh cửa cuốn để thực hiện chức năng đó. Đức đi TP. Vinh để tìm mô -tơ phù hợp.

Không tìm thấy, cuối cùng Đức đến nhà người quen cùng làm nghề sửa chữa điện tử để dò hỏi. Người bạn đã đưa cho anh một mô -tơ chạy điện 220V và nói có thể phù hợp. Đức mang về, chế lại và cho máy chạy thử một buổi và không bị nóng máy. Tuy nhiên, vòng quay của máy quá nhanh so với nhịp thở của cha, nên Đức phải điều chỉnh lại.

Đức tiếp tục mò mẫm đến ngày thứ 20 thì bộ điều chỉnh chế lại tốc độ quay của mô -tơ hoạt động như ý. Cuối cùng thì nó cũng chịu quay với tốc độ 20 vòng/phút như mong muốn.

Khi đưa máy thở vào sử dụng, nghe cha nói dễ chịu hơn nhiều so với bóp bằng tay vì nhịp thở ổn định - Đức đã bật khóc. Cha Đức đã được thở đều đặn trong 4 tháng trước khi ông qua đời do bệnh tình quá nặng.

Nghe tin về chiếc máy đặc biệt của Đức, có người từ TP.Vinh cũng có người thân cần máy thở đã tìm đến nhà để được mua lại chiếc máy sau khi ông Tùng qua đời. Cảm thông hoàn cảnh, Đức đã tự nguyện tặng lại chiếc máy đó.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người có bệnh tình như cha của Đức đã tìm đến "đặt hàng" nhờ anh làm giúp. Tính đến nay, Đức đã làm đến cái máy thứ ba. Cái mới nhất Đức làm cho bà Nguyễn Thị Vân ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), đã chạy gần một năm nay.

Giờ ngoài việc sửa chữa điện tử nuôi sống gia đình, Đức còn có những đam mê với máy thở cá nhân. Anh quan niệm, mình làm cái gì ý nghĩa cho đời thì phải nỗ lực hết mình

"Nếu được cấp giấy phép..."

"Tháng trước, tôi cũng đã liên hệ với Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Nghệ An để hỏi thủ tục đăng ký sáng chế và độc quyền để làm tiếp máy khác vì nhiều người đang có nhu cầu. Tuy nhiên, họ bảo cần có ý kiến, thẩm định của ngành y tế nên tôi đang phải chờ. Hiện tại, vì còn vướng thủ tục nên tôi không làm nhiều, ai cần thì tôi làm giúp thôi" - Đức chia sẻ.

Theo Đức, nếu được cấp đăng ký sáng chế và độc quyền thì anh sẽ làm thêm nhiều máy nữa. Ngoài ra, Đức còn có ý tưởng là làm thêm nhiều bộ phận chức năng khác để hoàn thiện máy hơn. Đức khẳng định: "Mình sẽ lắp thêm một bộ điều chỉnh nhịp quay của cần khuỷu để phù hợp với nhịp thở của từng người. Bởi mỗi người bệnh về hô hấp có nhịp thở rất khác nhau. Bên cạnh đó, nếu sử dụng điện lưới sẽ không ổn định, nhanh hỏng, có thể cháy máy nên sẽ lắp thêm bộ chuông báo động mỗi khi bị cúp điện".

Trần Tâm - Lê Minh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.