Lóng ngóng chăm con
Trong căn phòng thiếu sáng khoảng 17m2 giăng đầy khố tã, Nguyễn Thị Q.A (sinh năm 1993, sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) đang lóng ngóng cho con bú mớm. Căn phòng vốn nhỏ nay lại càng chật hẹp hơn từ khi đứa trẻ ra đời. Q.A vừa sinh con được hai tháng, “tác giả” của đứa con là Nguyễn Văn Đạt (sinh năm 1991, Xuân Mai, Hà Nội). A và Đạt yêu nhau được hai năm, hai người xin phép gia đình làm đám cưới nhưng bị hai bên gia đình cực lực phản đối. Vì quá yêu nhau nên hai người quyết định sử dụng biện pháp “bác sĩ bảo cưới”, nhưng khi "lỡ" rồi, cả Đạt và A đều không dám thú nhận với gia đình. Đôi bạn trẻ quyết định cùng nhau “vượt cạn” và trở thành những ông bố, bà mẹ trẻ.
Chưa được trang bị nhiều kiến thức làm mẹ nên nhìn A chăm con rất vụng về, lóng ngóng. Đứa trẻ đầu kín chân hở, nước da sạm vàng vì ngày ngày sống trong căn phòng thiếu ánh sáng. Con quấy khóc, A hết nịnh nọt đến quát mắng, ánh mắt lộ rõ vẻ sự mệt mỏi và chán nản. A tâm sự: “Tính em vốn rất thích bay nhảy, hoạt náo. Nhưng từ ngày có đứa bé, mọi hoạt động của em ở ngoài đều phải chấm dứt. Cứ học xong là em lại tất bất chạy về nhà. Có khi đang học giữa chừng cũng phải bỏ về vì con khóc ở nhà đòi bú”.
Vì chỉ có hai vợ chồng vừa đi làm, vừa đi học, vừa chăm con nên A và chồng lúc nào cũng bận rộn, lo lắng. Nhiều khi không có thời gian, vợ chồng ai cũng có việc riêng, lại không biết gửi con cho ai nên vợ chồng trẻ thường xuyên xảy ra cãi vã. Mỗi lần chán nản và mệt mỏi như vậy, chồng A lại bỏ đi rượu chè, chơi bời với bạn bè đến muộn mới về khiến việc học hành của A cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Q.A lóng ngóng chăm con trong căn phòng gần 17m2 thiếu ánh sáng
Khi mới sinh con, A đã phải thuê người học hộ suốt một tháng trời. Con vừa đầy tháng, A đã phải tất bật vừa đi học, vừa chăm con, cho dù phải sinh con bằng biện pháp mổ đẻ. A tâm sự: “Ngày nào cũng phải đến 12 giờ đêm em mới có thể ngồi vào bàn học . Sắp tới em phải đi thực tập xa nhà hai tháng, cũng chưa biết phải cân bằng giữa việc đi làm và việc chăm con như thế nào nữa”.
Vấn đề kinh tế cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều lần cãi vã của hai vợ chồng. Hiện giờ A vừa phải đi học vừa phải chăm con nên không thể đi làm thêm kiếm tiền. Còn Đạt thì đang làm bồi bàn cho một quá bar với mức lương 3 triệu đồng/tháng, thời gian làm từ 4 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Dù A đã cố gắng chi tiêu hết mức chi li nhưng số tiền đó vẫn không đủ để trang trải cho cuộc sống của hai vợ chồng và đứa con.
Đứa trẻ không bú mẹ
Giống Q.A, Trần Thị N. (sinh năm 1992, sinh viên năm cuối trường Đại học Luật Hà Nội) cũng bất đắc dĩ phải làm mẹ ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới". N có một tình yêu sâu đậm với anh chàng công nhân ốc vít nhưng vì không giữ được mình nên N đã mang bầu. Mặc dù rất hốt hoảng nhưng vì cái thai qúa lớn không thể bỏ nên cả hai đành đưa nhau về nhận lỗi với gia đình. Sau đám cưới diễn ra chớp nhoáng, N trở lại trường học, vừa mang bầu vừa đi học trong sự bẽ bàng, xấu hổ.
Bốn tháng sau, N sinh một bé gái dễ thương. Vì sinh con gái nên vốn dĩ N đã bị gia đình nhà chồng ghét nay lại càng ghét bỏ hơn. Bình thường một bà mẹ sinh con được nghỉ chế độ 6 tháng hoặc ít nhất cũng được nghỉ ngơi hết tháng đầu tiên. Còn N. khi con mới được 15 ngày đã phải tất bật quay trở lại trường học. Gia đình chồng không có điều kiện cho hai mẹ con N ở trọ trên Hà Nội nên đành phải con một nơi, mẹ một ngả. Hàng ngày N phải đi đi về về với bốn tuyến xe bus, từ Hà Nội về Phúc Yên rồi ngược lại. Đứa trẻ chưa đầy tháng tuổi vì thiếu sữa mẹ nên quấy khóc cả ngày. Lâu dần, vì công việc học tập vất vả, N không thể đi về thường xuyên nên đứa trẻ cũng đành phải ăn hoàn toàn bằng sữa ngoài.
Phải làm những bà mẹ bất đắc dĩ cả Q.A và N đều luôn lộ rõ sự mệt mỏi và chán nản. Nuôi con dường như là trách nhiệm không thể chối bỏ chứ không còn là tình yêu thương với “món quà trời cho”. Q.A và N còn rất may mắn vì không bị “tác giả” của những đứa trẻ bỏ rơi. Nhưng ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lại không có được sự giúp đỡ của gia đình, người thân Q.A và N cũng gặp vô vàn khó khăn và lâm vào những tình cảnh dở khóc, dở cười của lần đầu bỡ ngỡ làm mẹ.
Chuyện sinh viên nuôi con nhỏ, khó khăn lớn nhất là vấn đề kinh tế. Như trường hợp của Q.A vì không có tiền nuôi con nên nhiều lần vợ chồng xảy ra cãi vã, xô xát. Hay như trường hợp của N cũng chỉ vì không có tiền mà mẹ con không được ở gần nhau, nơi mang bầu sữa nặng, nơi lại khóc ngất vì khát sữa. Đứa con sinh ra không được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất. Còn người mẹ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ về chuyện học hành.
Những bạn trẻ lỡ trót dại, bất đắc dĩ phải làm cha mẹ khi còn là sinh viên hiện nay không hiếm. Như theo bạn Q.A cho biết chỉ riêng lớp bạn đã có gần 10/50 nữ sinh làm mẹ, cả khóa cũng phải chiếm khoảng 15%. Khi đã trót dại như vậy, chẳng ai vui vẻ gì nhưng họ vẫn phải chấp nhận "hậu quả" họ đã gây ra.
Những hình ảnh bà mẹ sinh viên với sự chán nản hiện tại và một tương lai mù mịt là bài học đắt giá cho những nữ sinh nhìn vào để có ý thức và bản lĩnh hơn trước cuộc sống xa nhà không ít nguy cơ cám dỗ.
Theo Khám phá