Thủ tướng Chính phủ vừa phân công các thành viên Chính phủ chuẩn bị một số báo cáo tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2013, diễn ra hôm nay 30/5.
Theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chuẩn bị báo cáo về hiệu quả của chính sách quản lý thị trường vàng theo cơ chế mới; kết quả cụ thể việc giải quyết nợ xấu trong những tháng đầu năm 2013 và khả năng xử lý các vấn đề này trong những tháng tiếp theo.
Trước đó, tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, một số ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn việc quản lý thị trường vàng theo cơ chế mới mà Chính phủ cho là tốt hơn vì dư luận, nhân dân cho rằng đây là cơ chế độc quyền, phải chăng chênh lệch giá vàng trong nước và cao hơn giá thế giới là do cơ chế này.
Ngoài ra, một số đại biểu yêu cầu làm rõ ai, doanh nghiệp nào thực hiện việc tạm xuất, tái nhập hơn 10 tấn vàng, cử tri nghi ngại chỉ có nhập mà không có xuất. Hàng loạt câu hoi cũng được đại biểu Quốc hội đặt ra như: Chênh lệnh lợi nhuận từ giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới ai hưởng? Vì sao giá vàng trong nước qua hơn 10 phiên đấu thầu vẫn cao hơn giá thế giới?
“Cử tri cho rằng không có thị trường vàng mà do Ngân hàng Nhà nước thống lĩnh việc định giá, đấu thầu. Việc duy trì một thương hiệu vàng độc quyền trên thế giới chưa có ngân hàng trung ương nào thực hiện, việc đề ra thương hiệu vàng quốc gia cũng không có văn bản pháp luật nào quy định. Tại sao lại tính theo thương hiệu vàng mà không tính theo tuổi vàng? Quản lý thị trường vàng được Chính phủ đánh giá mới chỉ đạt kết quả bước đầu, cần phải phân tích kỹ hơn nguyên nhân và so sánh những kết quả đạt được với thiệt hại mà người dân đang phải gánh chịu thì cái nào lớn hơn?”, báo cáo tổng hợp ý kiến cho biết.
Cũng theo báo cáo trên, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn về con số tỷ lệ nợ xấu trong các báo cáo. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đã giảm từ 13% cuối năm 2013 xuống còn 6% trong 3 tháng đầu năm 2013 nhưng theo đại biểu Quốc hội, trong thực tế ngân hàng chưa giải quyết được nợ xấu, chỉ là quá trình rà soát, tính toán lại số liệu.
Bản tổng hợp các ý kiến nhấn mạnh: “Nợ xấu giảm không phải do hoạt động sản xuất kinh doanh tốt mà do cách xử lý nợ xấu lỏng lẻo, ngân hàng bắt tay với doanh nghiệp công bố tỷ lệ nợ xấu. Có ý kiến cho rằng ngân hàng chưa phân loại nợ xấu để có hướng tập trung tháo gỡ, giải quyết nợ xấu chậm, chưa kiên quyết, tín dụng đóng băng, đồng tiền ách tắc dẫn đến mất cân bằng”…
Như vậy, cùng với việc thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ báo cáo tại phiên thảo luận về tình hình – kinh tế ngày 30/5, theo phân công của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị báo cáo tình hình thực hiện các Đề án trong Đề án chung về tái cơ cấu nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chuẩn bị báo cáo về việc sử dụng trái phiếu Chính phủ trong việc nâng cấp, tăng cường cơ sở y tế các tuyến để giảm tải tuyến Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị báo cáo về: việc thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa; đánh giá cụ thể nguyên nhân, mặt được và chưa được của việc nền kinh tế chuyển nhanh từ nhập siêu sang xuất siêu; kết quả cụ thể việc giải quyết hàng tồn kho trong những tháng đầu năm 2013 và khả năng xử lý các vấn đề này trong những tháng tiếp theo…
Theo Dân trí