Theo đó, Hội nghị sẽ có khoảng 2.000 đại biểu tham gia, gấp 4 lần năm 2016. Trong đó, khối doanh nghiệp tư nhân khoảng 1.500 đại biểu, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 200 đại biểu. Cùng với đó là sự tham gia của các định chế tài chính lớn, 100 đại biểu từ các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp đã cổ phần hóa và đại diện các cơ quan Nhà nước.
Đây là lần thứ 2 Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp. Trước đó, Thủ tướng đã từng đối thoại với doanh nghiệp vào năm 2016. Một tháng sau cuộc đối thoại đầu tiên này, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã được ban hành.
Đến nay, sau một năm ban hành Nghị quyết 35, các cơ quan chức năng đã ghi nhận những kết quả khả quan bước đầu về sự chuyển biến của các cơ quan, bộ, ngành hướng tới phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.
Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ do Văn phòng Chính phủ điều hành đã tiếp nhận tổng cộng 586 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, trong đó, Văn phòng Chính phủ đã phân loại, chuyển 489 phản ánh, kiến nghị tới các bộ, ngành, địa phương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Đến nay, đã có 372 phản ánh, kiến nghị đã được các bộ, ngành, địa phương xử lý và trả lời doanh nghiệp, đạt tỉ lệ 76,1%. Đối với 97 phản ánh, kiến nghị còn lại thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ tướng Chính phủ hoặc phải giải quyết theo quy trình khiếu nại, tố cáo cũng đã được Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ giải quyết, cũng như xử lý theo quy trình khiếu nại, tố cáo theo quy định.
Theo VCCI, việc ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”, với các mục tiêu nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Một tín hiệu tích cực nữa là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính từng được nhiều doanh nghiệp kiến nghị đã được quan tâm xử lý khá triệt để. Theo tài liệu báo cáo từ bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau một năm thực hiện Nghị quyết số 35 đến năm 2020, 4.527/4.723 thủ tục hành chính (đạt tỉ lệ 95,85%) đã được đơn giản hoá; tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần tiết kiệm chi phí và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng...
Đỗ Thơm