Hối hận muộn màng
Trời mưa rải rác nhiều ngày nay nên chị Mạc Thị H. (SN 1980) trú bản Đỉnh Sơn 1, xã miền núi Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cũng như bao người phụ nữ Khơ-mú khác chỉ ôm con ngồi trước cửa nhà nhìn ra. Không đi rẫy được, gạo trong thùng cũng bắt đầu cạn, chị H. lại thẫn thờ quay vào trong bếp lửa phập phùng nghĩ đến cái ăn cho 4 người con nhỏ (1 trai và 3 gái) vào ngày mai.
“Nhà hết tiền rồi. Cũng đang nợ hơn 10 triệu nữa không biết làm sao trả. Chồng thì sang nhà hàng xóm uống rượu rồi, tối mới về cơ”, chị H. nói. Chỉ biết một ít tiếng Kinh, nên chị H. trả lời từng câu một.
Người phụ nữ này không biết chữ, cả những người con của chị cũng không được đi học. Từ khi lớn lên cho đến nay, cuộc đời chị gắn liền với bản nghèo này, cùng với mấy nương rẫy khai hoang, trừ một lần duy nhất trong đời được đi xa thậm chí còn sang cả Trung Quốc. Đó là khi chị mang chính thai nhi của mình đi bán để có tiền trả nợ.
Chị H. kể, giữa năm 2017, chị mang bầu người con gái thứ 5. Đến tháng thứ 8, trong một lần đi ra cửa hàng tạp hóa xã để mua một vài thứ thì có một phụ nữ lạ mặt tiến đến bắt chuyện. Biết cuộc sống của chị H. khó khăn, đông con, gia đình hiện nay đang hết tiền lại còn nợ một khoản lớn do mới làm nhà, nên người phụ nữ này đặt vấn đề mua người con thứ 5 đang ở trong bụng chị, tuy nhiên với một yêu cầu là sang Trung Quốc để sinh.
Trở về nhà, do chồng đang đi uống rượu nên chị không gặp được. Cũng chẳng nói với ai, chị lấy vội một ít quần áo rồi ra quốc lộ bắt xe đi Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Từ đây, chị được một người lạ khác dẫn đi qua đường tiểu ngạch để sang Trung Quốc.
“Đi xa lắm nên tôi chẳng nhớ. Chỉ biết đi ô tô 2 ngày đêm. Đến nơi có người đón, ở trong một ngôi nhà nhỏ. Ngày chẳng phải làm gì, còn được ăn ngon”, chị H. kể.
Đến lúc chuyển dạ, chị H. được đưa đến một cơ sở y tế nhỏ. Sau khi sinh con, có người đến đưa cháu bé đi, chị H. chỉ nghe tiếng con khóc chứ không được nhìn mặt. Sau khi ở khoảng 15 ngày thì chị H. được những người trên dúi vào tay một bọc tiền rồi tiếp tục đưa trở về nhà.
Số tiền có được chị dùng để trả nợ, hết tiền chị lại cùng chồng tiếp tục lên nương rẫy kiếm sống. Cái nghèo đói vẫn bao quanh người phụ nữ khốn khổ này. “Trở về quê nhà, cầm những đồng tiền đó để trang trải nợ nần, tôi lại càng nhớ con đứt ruột. Nghĩ lại, tôi thấy ân hận vô cùng. Sống hay chết cũng không đi bán con như thế này nữa”, chị H. nghẹn giọng.
Thế nhưng, không phải ai cũng được nhận tiền đầy đủ như chị H., rất nhiều phụ nữ sang Trung Quốc bán con đã bị quỵt tiền, chị Lương Thị M. (SN 1970), trú ở xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn là một trong những nạn nhân.
Khi có người đến hỏi, chị M. bức xúc cho hay, đầu năm 2017, chị mang thai người con thứ 6. Lúc này, một người cùng bản vốn từng làm ăn ở Trung Quốc đến dụ dỗ chị bán con. Bằng những lời lẽ ngon ngọt, chị M. đã ngu muội gật đầu đồng ý đi sang nước bạn bằng đường tiểu ngạch.
Chị M. sinh xong cũng chẳng kịp nhìn mặt con. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau những người này đến thông báo con chị đã chết, vì vậy họ chỉ trả 1/3 tiền như đã hứa. Trở về quê nhà, chị M. làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan chức năng. Giờ đây, người phụ nữ này vô cùng hối tiếc trước việc mình làm, tiền mất mà con cũng chẳng được nuôi.
Bỏ mạng nơi xứ người
Thế nhưng, những trường hợp trên dù sao cũng đã trở về nhà an toàn, riêng chị Mong Thị L. (SN 1989), trú bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn lại có số phận bi thảm hơn khi tử vong ở Trung Quốc do tai nạn giao thông khi đang đi bán con.
Vợ chồng chị L. có 4 người con. Đầu năm 2018, chị L. mang thai người con thứ 5. Cuộc sống vốn đã khổ cực nay càng vất vả hơn gấp nhiều lần. Chị không thể làm việc nặng, vì vậy toàn bộ công việc đều dồn vào đôi vai của người chồng. Vào tháng 9/2018, không hiểu ai dụ dỗ mà chị lặng lẽ sắp xếp quần áo, dặn dò con và nhân lúc chồng đi rẫy bỏ đi Trung Quốc.
Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 20/9/2018, tại xã Dương Cao, huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc), đã khiến 5 công dân Việt Nam thương vong. Tất cả những người này đều là phụ nữ trú huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đang mang thai. Trong đó, chị Mong Thị L. tử vong, những người khác bị thương tuy nhiên hiện chưa trở về nhà.
Đến nhà người phụ nữ này thì vắng bóng không có một ai, hỏi người dân địa phương mới biết anh Lương Văn Hồng (SN 1983, chồng chị L.) đi rẫy không biết khi nào về, còn những người con nhỏ của anh chị thì đang đi nhặt củi. “Khi chính quyền địa phương đang cùng gia đình tìm kiếm thì nhận được thông tin chị L. tử vong do tai nạn bên Trung Quốc. Lúc này mọi người mới biết là chị L. theo một người phụ nữ trong bản vượt biên đi bán con”, một người dân cho hay.
Để đưa được thi thể vợ về, gia đình anh Hồng đã phải tốn gần 100 triệu đồng chi phí. Toàn bộ đều do anh Hồng vay mượn mới có. Điều đau xót hơn, sau khi mẹ mất, đứa đầu đang học lớp 7, cháu còn lại học lớp 5 cũng phải bỏ dở việc học để theo bố lên rẫy.
Ông Hà Văn Thái, Trưởng Công an xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn thở dài cho biết ở đây người ta đi rừng, đi rẫy 1 - 2 tháng mới về là chuyện bình thường nên việc phát hiện một người phụ nữ mang bầu sang Trung Quốc bán con rất khó. Chỉ khi có người nói, công an đến hỏi nhiều họ mới thừa nhận, còn lại đều giấu kín. Cũng có không ít người đi bán con về rồi nói dối chưa đi.
“Việc các phụ nữ ở đây bỗng dưng mất tích một thời gian rồi quay về là chuyện bình thường. Vì có lúc họ lên rẫy từ mờ sáng đến hơn 1 tháng sau mới về. Có lúc họ đi làm ăn ở dưới xuôi hoặc đi sang các địa phương khác cũng không khai báo gì với chúng tôi. Hiện trên địa bàn chúng tôi xác định vẫn có 1 phụ nữ mang thai đi sang Trung Quốc chưa về”, ông Thái nói.
Nghệ An cảnh báo tệ nạn mua bán bào thai sang Trung Quốc
Ngày 9/1/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản số 213/UBND-NC về việc tăng cường công tác phòng, chống mua bán người, mua bán bào thai trên địa bàn.
Công văn yêu cầu các cấp, ngành huy động sức mạnh hệ thống chính trị trong việc tham gia phòng, chống mua bán người, mua bán bào thai; Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người nói chung và mua bán bào thai nói riêng.
Trong đó, Công an tỉnh tăng cường công tác quản lý về ANTT, quản lý người nước ngoài, phụ nữ lấy chồng Trung Quốc. Tập trung điều tra, khám phá các vụ án, đường dây mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và bảo vệ nạn nhân; tổ chức cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người.
Bộ Chỉ huy BĐBP tăng cường quản lý khu vực biên giới nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm mua bán người và lợi dụng di cư trái phép để lừa bán phụ nữ, trẻ em, thai nhi…