Mặc kệ nợ nần, có tiền lập tức tiêu xài
Chúng tôi đến gia đình chị L.T.M. (SN 1984), trú bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An khi mọi người đang tiến hành sửa sang lại ngôi nhà. Chỉ vào hiện trường vẫn còn ngổn ngang cột gỗ, chị M. vui vẻ nói: “Nhà cũ hư hỏng quá rồi. Trời mưa là mấy mẹ con phải chui vào một góc trú. Muốn sửa nhà mãi giờ mới có cơ hội”.
Mời những vị khách lạ vào tạm gian bếp để nói chuyện, chiếc tivi mà chị M. mới mua oang oang tiếng nhạc, những người con của chị M. háo hức dán mắt vào màn hình phẳng từ trước đến nay chưa bao giờ thấy. Chị M. khoe tivi mới mua cách đây mấy tháng, hình ảnh vô cùng sắc nét, âm thanh rõ ràng, các con của chị không phải đi xem ké như trước đây nữa.
Lạ lùng bởi gia đình hoàn cảnh khó khăn như chị M. có thể sửa nhà và mua tivi, khi gặng hỏi thì chị M. mới nói nguyên nhân khiến chúng tôi ngã ngửa vì ngỡ ngàng, đó là chị bán con sang Trung Quốc để có tiền.
Vợ chồng chị M. có với nhau 3 người con, cuộc sống nương rẫy không đủ ăn, anh Moong Văn Thái (SN 1985, chồng chị M.) đã theo bạn bè vào tỉnh Quảng Nam đào vàng thuê. Mặc dù đi làm lâu năm nhưng anh Thái chẳng có tiền để gửi về cho gia đình, nguyên do bởi bị người chủ lừa quỵt tiền công. Khi cơm còn chẳng đủ ăn, đến cuối năm 2017, chị M. tiếp tục mang thai người con thứ 4.
Thời điểm chị mang thai tới tháng thứ 8 thì có một người họ hàng lấy chồng ở Trung Quốc gọi điện về, biết được hoàn cảnh của chị nên tỉ tê bảo sang bên đó sinh con, rồi để lại người này nuôi giúp cho. Không những vậy, người này còn “hào phóng” cho chị M. số tiền 80 triệu để về tiêu xài.
Cả đời chị M. chưa bao giờ thấy được số tiền lớn như vậy. Nên chị M. không hỏi ý kiến chồng mà âm thầm quyết định vượt biên để có tiền trang trải nợ nần. “Lúc đó chồng đang đi làm xa nên tôi không hỏi. Họ chỉ cách cho tôi ra bắt xe đi Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Sau đó ở đây có người đón đưa sang Trung Quốc. Tôi được cho ăn, cho ngủ, nhưng người ta bảo không được đi lung tung”, chị M. kể.
Đến ngày vượt cạn, chị M. sinh được một người con gái, tuy nhiên chưa kịp nhìn mặt con thì đã có người đến đưa cháu bé đi. Sau khi ở lại khoảng 2 tuần để phục hồi sức khỏe, chị M. trở về nhà cũng bằng con đường kia với một bọc tiền trong tay. Chị M. cũng thành thật trả lời không biết bao nhiêu tiền cả vì không biết đếm, khi trở về nhờ người nhà kiểm tra mới biết đúng 80 triệu như đã hứa.
Cho đến thời điểm hiện nay, chị M. đinh ninh việc không phải mình bán con, mà là do nghèo quá nên nhờ người họ hàng kia nuôi. Ở bên Trung Quốc, chị chắc chắn con mình lớn lên sẽ có cái ăn, cái mặc và học hành đầy đủ chứ không phải như những người con ở quê nhà. Vì vậy, chị M. chưa bao giờ hối hận việc mình làm, thậm chí khi được hỏi nếu cho tiền để sang lần nữa thì chị khẳng định vẫn sẽ đi.
Điều đáng nói, số tiền kiếm được chị không dùng để mua trâu bò, cho con đi học hay phát triển kinh tế, mà dùng để sửa ngôi nhà rách nát lâu nay và mua tivi về xem cho… sướng. “Tiền tôi tiêu hết rồi nhưng vẫn chưa xong nhà, hiện tôi còn nợ khoảng 20 triệu nữa”, chị M. nói khiến chúng tôi chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
“Chưa có ai thoát nghèo sau khi bán con”
Kể từ khi bán con bên Trung Quốc trở về, ngôi nhà sàn của chị L.T.P. (SN 1982), trú ở bản Đỉnh Sơn 2, xã Hữu Kiệm luôn ồn ào bởi những âm thanh phát ra từ chiếc tivi màn hình phẳng và chiếc loa thùng có cổng cắm USB.
“Sau khi có được 80 triệu đồng trở về, ngoài trả một phần nợ, gia đình còn sắm được một chiếc xe máy và tivi”, chị P. nói. Khuôn mặt tươi tỉnh, cử chỉ hoạt bát nhanh nhẹn của P. khiến người ngoài nhìn vào không nghĩ người phụ nữ này vừa sinh con.
Vợ chồng chị P. vốn đã có 4 người con (3 trai và 1 gái). Cùng với việc xây ngôi nhà sàn sau khi cưới không lâu, cả cuộc đời chị chìm trong nợ nần và khốn khó. Đầu năm 2018, chị P. tiếp tục có bầu thêm đứa thứ 5. Thời điểm chưa biết nên làm thế nào, thì chị P. nhận được cuộc gọi từ một người trong xã hiện đang lấy chồng ở Trung Quốc bày cách bán đứa trẻ trong bụng để lấy 80 triệu đồng. Nghĩ rằng gia đình đã đông con, số tiền có được lại quá lớn, vì vậy sau khi bàn tính với chồng thì chị P. đồng ý.
Trung tuần tháng 8/2018, chị L.T.P. đón xe ra Móng Cái và từ đó đi sang Trung Quốc. Sau khi sinh được một bé trai, chị cũng trở về với bọc tiền lớn. Chỉ thời gian ngắn, gia đình chị đã tiêu hết số tiền trên và khi nhẩm tính lại vẫn thấy… còn nợ 3 triệu chưa trả.
Hỏi người mẹ có nhớ con không thì chị lắc đầu, hỏi có đem con đi bán nữa không thì chị P. trầm ngâm. Không phải vì chị hối hận, mà vì cán bộ xã xuống tuyên truyền và vận động nên giờ chị không dám làm nữa.
Bà Vũ Thị Huyền, Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kỳ Sơn cho biết, qua thống kê, những trường hợp sang Trung Quốc thì trung bình mỗi bào thai bán được sẽ có giá từ 40 – 50 triệu đồng đối với bé trai và 70 – 80 triệu đồng đối với bé gái, một số ít trường hợp thậm chí giá còn cao hơn. Đối với người dân, số tiền trên là cả gia tài mà làm hàng chục năm nương rẫy cũng không thể nào kiếm được.
“Nơi rẻo cao, nguồn thu nhập của người dân chỉ dựa vào vài sào lúa nương, ngô cùng dăm con lợn thả rông, cuộc sống bao đời nay rất khó khăn. Vì vậy khi có tiền thì ngoài việc trả nợ, họ lập tức sắm sửa những vật dụng như xe máy, tivi, loa thùng,… chứ không hề nghĩ dùng số tiền đó để làm ăn. Tôi khẳng định, các trường hợp bán con trên địa bàn chưa ai thoát nghèo cả”, bà Huyền nói.
Tỏ ra hết sức lo lắng, ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho hay, tất cả trường hợp bán thai nhi trên địa bàn đều có hoàn cảnh khó khăn, thế nhưng họ lại có tư tưởng trông chờ Nhà nước hỗ trợ. Theo thống kê, có 25 phụ nữ đã vượt biên sang Trung Quốc bán con, chủ yếu phụ nữ người Khơ-mú ở xã Hữu Kiệm.
“Những phụ nữ đi bán bào thai thường nằm trong diện hộ nghèo và lười lao động. Trước mắt, chúng tôi sẽ chỉ đạo chính quyền địa phương, cơ quan liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là tại các bản có người Khơ-mú sinh sống để người dân không tham gia vào việc này”, ông Vi Hòe nói.