Bán con mới có tiền trả nợ nhà
Khi cầm trên tay danh sách 12 phụ nữ ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vượt biên sang Trung Quốc bán con trong vòng 2 năm qua, chúng tôi cứ đinh ninh rằng chắc chắn nơi đây sẽ vô cùng nghèo khổ, đường vào khó khăn hiểm trở, đồi núi ngăn cách, người dân phải thiếu đói quanh năm mới làm như vậy.
Thế nhưng, từ Quốc lộ 7 đi vào, dù đường vô cùng trơn trượt do mưa nhiều ngày, nhiều đoạn đang thi công nên bùn đất quết vào bánh xe, nếu không cẩn thận có thể rơi xuống dòng nước hung hãn đang ầm ầm chảy, nhưng so với những nơi “sơn cùng thủy tận” khác của huyện miền núi Kỳ Sơn thì vẫn còn khá dễ đi.
Bước chân đến trung tâm bản, cuộc sống nơi đây đúng là nghèo, nhưng không hề lạc hậu, thậm chí có rất nhiều nhà sàn to đẹp đang được người dân xây dựng. Mái ngói đỏ như son giữa rừng xanh, thậm chí nhiều nhà, tiếng tivi phát ầm ĩ bản tin thời sự nước ngoài. Một điều đặc biệt, tại đây có rất nhiều phụ nữ ôm con ngồi tụ tập trước hiên nhà nhìn ra. Họ nói chuyện với nhau, nhìn mưa rơi, cảm giác vô cùng yên bình và nhàn hạ.
Trước thắc mắc của chúng tôi, anh Lữ Văn Dung, công an viên của bản trầm ngâm hồi lâu rồi mới cho hay: “Có rất nhiều nguyên nhân khiến cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng nơi đây. Một trong đó chính là người dân chưa thực sự nỗ lực để thay đổi chính cuộc sống, tương lai của họ. Ý thức tự giác lao động của bà con chưa cao, đa số còn tư tưởng trông chờ ỷ lại. Những gia đình đưa con đi bán cũng từ việc này, điều đau lòng là không chỉ 1 mà tới 2 lần”.
Bán 1 người con đã vô cùng khủng khiếp, ai có thể tưởng tượng nổi có người mẹ nào lại bán con đến lần thứ 2. Lúc này, người công an viên mới dẫn chúng tôi đến căn nhà kiên cố nằm sát bên con suối ở bản Đỉnh Sơn 1 của chị Moong Thị T. (SN 1989). Cũng như những người phụ nữ Khơ-mú trong bản, chị T. đang ngồi ở trước cửa. Do lấy chồng từ năm 17 tuổi và đã có 2 người con (7 tuổi và 4 tuổi) nên khuôn mặt người phụ nữ này khá già dặn.
Chị T. kể, vào đầu năm 2018, chị T. mang thai người con thứ 3, sau khi siêu âm thì phát hiện giới tính thai nhi là con trai. Vài ngày sau, trong lúc lên rẫy, chị bất ngờ nhận được điện thoại của một người phụ nữ không quen biết, đặt vấn đề nếu qua Trung Quốc sinh con sẽ nhận được 40 triệu đồng. Do vợ chồng đang nợ 30 triệu đồng tiền làm nhà trước đó chưa trả nên chị T. đồng ý.
Đến tháng 9/2018, chị T. theo như cách chỉ đường của người phụ nữ trên, đón xe ra Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, sau đó vượt biên sang Trung Quốc. Sang đó được hơn 2 tuần, T. trở dạ rồi được đưa đến bệnh viện. “Đẻ xong, họ bồng con đi luôn, em không được gặp mặt nữa”, chị T. kể.
Sau 3 ngày sinh con, người mua đưa cho chị T. 10.000 Nhân dân tệ (khoảng hơn 30 triệu đồng). Rồi họ đón xe cho chị T. trở về quê. Giải thích về lý do bán con, chị T. cho hay do gia đình nghèo quá, cuộc sống nương rẫy không đủ sống nên phải bán con.
Khi chia tay chị T. để trở về, lúc này anh Lữ Văn Dung cho biết thêm, thực ra lần đầu tiên người phụ nữ này bán con là cuối năm 2016. Biết được sự việc, Công an xã đã gọi lên trụ sở vận động, tuyên truyền và yêu cầu ký cam kết không bán con nữa. Thế nhưng, đến năm 2018, chị T. lại tiếp tục vượt biên sang Trung Quốc lần nữa.
Cam kết… chỉ là cam kết
Ông Nguyễn Hữu Lượng, Chủ tịch xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn cho biết, phần lớn phụ nữ vượt biên bán con tập trung tại hai bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2. Đây cũng là hai bản khó khăn nhất của xã, 100% là người dân tộc Khơ-mú, hơn một nửa dân số thuộc diện hộ nghèo.
“Cũng chính vì vậy, chúng tôi luôn quan tâm đến đời sống người dân ở nơi đây. Tất cả những chính sách hỗ trợ của Nhà nước như cứu đói, hỗ trợ con giống, vật nuôi,… đều ưu tiên hai bản này nhiều nhất. Cuộc sống của họ có thể khó khăn nhưng không đến nỗi thiếu đói, không phải chạy ăn từng bữa”, ông Lượng nói.
Theo thống kê, có 22 phụ nữ của xã Hữu Kiệm vượt biên sang Trung Quốc thì có đến 3 trường hợp bán bào thai tới lần thứ 2. Đây là một thực trạng vô cùng đau lòng nhưng chính quyền xã đến nay vẫn không có cách gì giải quyết.
“Tất cả những trường hợp trên chúng tôi đã cử cán bộ xuống tận nhà giải thích, tuyên truyền. Sau đó tiếp tục mời lên trụ sở vận động, khuyên răn đừng nên bán con. Lúc này họ hứa không tái phạm nữa, tự nguyện ký cam kết. Thế nhưng không phải ai cũng tuân thủ cam kết này”, ông Lượng thở dài.
Bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, thực trạng nhiều chị em phụ nữ tìm cách đi bán bào thai đang là vấn đề nhức nhối. Qua nắm bắt, trực tiếp làm việc với các trường hợp, hầu hết đều thừa nhận hành vi của mình, nhiều người tỏ ra hối lỗi, nhưng cũng có người thờ ơ, như không hề biết.
“Tình trạng bán bào thai, cốt yếu vẫn là do nhận thức của người dân. Hầu hết số tiền mà các gia đình có được sau khi bán bào thai đều dùng cho việc trả nợ. Thế nhưng, sau đó họ lại dùng mua sắm các vật dụng trong gia đình như tivi, xe máy… chứ không dùng để làm ăn kinh tế”, bà Quyên nói.
Theo vị Phó chủ tịch huyện, Kỳ Sơn hiện có hơn 7.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số như Thái, Mông và Khơ-mú. Đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, còn nhiều tập tục lạc hậu, tình trạng thiếu việc làm, dư thừa lao động còn nhiều… Vì vậy để giải quyết dứt điểm tình trạng này vẫn là vấn đề vô cùng nan giải.
Tỉnh Nghệ An có 263 phụ nữ, trẻ em nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người
Trong năm 2018, lực lượng chức năng toàn tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 16 vụ, 26 đối tượng có hành vi mua bán người, mua bán trẻ em và tiếp nhận, hỗ trợ, giải cứu 40 nạn nhân liên quan.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các huyện miền núi tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Hiện còn 263 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương, bị nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Đặc biệt, gần đây đã phát hiện thủ đoạn phạm tội mới, các đối tượng tìm đến các gia đình có phụ nữ đang có thai sắp sinh (mang thai 6 - 8 tháng) ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ đưa sang Trung Quốc sinh con rồi bán con lại cho người Trung Quốc (còn gọi là mua bán bào thai).