Ngày định mệnh
Sáng sớm 30 Tết Kỷ Sửu, người dân sống hai bên bờ sông Gianh thuộc hai xã Quảng Thanh và Quảng Hải (huyện Quảng Trạch) chợt tỉnh giấc khi nghe những tiếng thét thất thanh. Không ai bảo ai, người dân xã Quảng Hải liền chạy ra bến sông. Dưới dòng sông lạnh ngắt, hàng chục cánh tay yếu ớt đang cố gắng vẫy vùng trong tuyệt vọng. Chiếc đò trở hàng chục người đã bị đắm. Trong phút chốc, tang thương bao trùm lấy cả xóm nghèo ven sông. Những chiếc khăn tang quấn vội trên những mái đầu bạc trắng, những cặp mắt con trẻ đỏ hoe dáo dác tìm mẹ... Chẳng ai dám tin rằng, người thân của họ đã vĩnh viễn ra đi.
Bà Lỡi gạt nước mắt khi nhớ về những người con đã mất
Xã Quảng Hải bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Người dân đã có cầu để qua sông, có chợ để mua bán… Cuộc sống của họ đã bình yên nhưng len lỏi trong tâm khảm của mỗi người dân nơi đây là những mất mát không thể bù đắp, là ám ảnh về những chiếc khăn tang và chuyến đò định mệnh lấy đi tính mạng 42 người dân xã nghèo này.
Những người sống sót trên chuyến đò đó đã trở về với gia đình, nhưng có lẽ họ sẽ không bao giờ quên được giây phút kinh hoàng đó. Anh Nguyễn Viết Hiệu, một người may mắn sống sót trong vụ đắm thuyền kể lại: "Đã hơn ba năm rồi, mỗi lần đi qua cây cầu Quảng Hải, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Sáng hôm đó, người dân xã Quảng Hải sang bên kia sông để sắm Tết. Lúc thuyền đến giữa dòng, bất ngờ có một đợt sóng mạnh. Chiếc thuyền chao đảo, toàn bộ những người có mặt trên thuyền hoảng loạn. Trong giây lát, hơn 80 người trên thuyền bị dòng nước nhấn chìm. Những cánh tay yếu ớt cố gắng vẫy vùng giữa dòng nước cuồn cuộn chảy xiết rồi chìm nghỉm”.
Thông tin về vụ đắm đò nhanh chóng lan ra toàn bộ người dân 2 xã Quảng Hải và Quảng Thanh. Tất cả đều chạy ra bờ sông và cầu mong cho điều xấu nhất không diễn ra với người thân của mình. Tiếng vợ tìm chồng, con khóc cha, trẻ nhỏ tìm mẹ càng làm cho không khí nơi đây tang thương hơn. Tất cả đều hướng cặp mắt vô hồn ra phía dòng sông lạnh ngắt. Chẳng ai bảo ai, nhưng họ đều nguyện cầu cho người thân của mình đều bình yên trở về.
42 người đã vĩnh viễn ra đi, ốc đảo Quảng Hải rợp trắng khăn tang. Người dân rồi bộ đội được huy động để nhanh chóng đưa các thi thể đi mai táng ngay trong buổi chiều, vì hôm sau đã là ngày mùng một tết. Gần 37 đám tang của một xã nhỏ trong một buổi chiều (có 5 người mất tích trong tổng số 42 người). Có lẽ người dân ở đây sẽ không bao giờ quên được cái ngày định mệnh đó.
Nỗi đau chưa nguôi ở làng "mồ côi"
Người chết đã chết, còn những người ở lại phải chịu cảnh mất người thân, chia ly, phân tán. Sau hơn ba năm, cuộc sống của họ đã ổn định hơn, nhưng những nỗi đau vẫn dai dẳng theo họ. Nhiều người "gà trống nuôi con", nhiều ông bà đã hơn 70 tuổi còn còng lưng nuôi ba đứa cháu. Có những người không chịu được nỗi đau phải bỏ xứ biền biệt.
Trong số những gia đình mất đi người thân, có lẽ vợ chồng ông Cao Xuân Khâm và bà Cao Thị Lỡi là gia đình phải chịu nhiều mất mát nhất. ông bà đã mất đi hai người con gái và một người con dâu. Lúc mất đi ba chị để lại cho ông bà 3 đứa cháu, đứa lớn nhất mới được 16 tháng tuổi, hai đứa còn lại đều mới 12, 13 tháng. Ông đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng suốt ba năm nay vẫn chạy vạy nuôi ba đứa cháu.
Ông Cao Xuân Khâm nghẹn ngào kể lại: "Hôm đó khoảng 3h chúng tôi dùng chiếc xe ba gác chở con dâu "đi" đầu tiên, sau đó quay về "đưa" con gái út và chập tối thì "đưa" nốt đứa con còn lại xuống nghĩa địa. Một buổi chiều tôi phải chôn ba đứa con. Giờ đây, hai mái đầu đã bạc, không biết ông bà có còn nước mắt để khóc khi mỗi lần các cháu hỏi "mẹ cháu đâu"?"
Bây giờ ở xã đảo Quảng Hải, làng Vân Lôi người dân đã đổi thành làng mồ côi. Họ gọi như vậy bởi sau vụ chìm đò, riêng ở làng này đã có đến 17 người chết. Nhiều ngôi nhà đã đóng cửa suốt gần ba năm nay. Kẻ vào Nam, kẻ sang Lào… Tất cả những người ra đi biền biệt đều chung một lý do đó là để quên đi sự mất mát không bao giờ có thể bù đắp được. Những người ở lại đang là "gà trống nuôi con" vẫn phải tiếp tục bước tiếp.
Anh Lê Văn Thắm ba năm nay đã nén đau thương để nuôi 4 đứa con kể từ ngày vợ anh ra đi. Anh Thắm kể lại: "Lúc vợ tôi mất, tôi không thể hình dung được cuộc sống gia đình tôi sẽ như thế nào khi mà mấy con tôi, đứa lớn nhất 10 tuổi còn đứa nhỏ nhất mới chỉ 3 tháng tuổi. Mấy đứa nhỏ không biết gì, cứ hỏi tôi sao mẹ cứ nằm vậy mà không dậy đón Tết. Tui chỉ biết nghẹn ngào trả lời: Mẹ mệt nên ngủ. Và cứ thế, ba năm nay tôi đã nuốt nước mắt khi chúng hỏi: Mẹ con đâu?".
Công Lâm