Đen: Đang muốn bỏ thành phố về quê chăn trâu cắt cỏ.
Đá: Mệt mỏi với ồn ào, bụi bặm tắc đường rồi phải không?
Đen: Về quê thấy vẫn mênh mông, bát ngát, vẫn thẳng cánh cò bay… định học mấy kỹ sư, bỏ phố về làng.
Đá: Ông dự định làm giàu bằng gì? Chăn nuôi, trồng trọt hay mở xưởng?
Đen: Ơ hay, đã bảo về chăn trâu cắt cỏ. Rộng ra là chăn nuôi trâu bò, cung cấp thịt sạch.
Đá: Thời buổi gì cũng giả, thịt tẩm hóa chất, mì chính giả… lấy gì đảm bảo “sạch”?
Đen: Trâu của tôi chỉ ăn cỏ, nuôi theo kiểu “ông bà tôi”, chất lượng trăm phần trăm.
Đá: Vô tư nhỉ, làm gì còn cỏ tự do cho trâu gặm. Trâu ra đồng muốn xơi cỏ, phải đóng tiền!
Đen: Ngàn năm nay đã “trâu ta ăn cỏ đồng ta”, quy định chi mà kỳ?
Đá: HTX dịch vụ Minh Anh, xã Thiệu Dương, TP.Thanh Hóa quy định, dân muốn nuôi trâu, bò cho ăn cỏ ngoài đồng phải đóng phí…
Đen: Đến thế kia à? Người ta còn đẻ ra loại phí gì nữa không ông?
Đá: Ngoài ra phải nộp tiền đặt cọc cao nhất đến 2 triệu đồng, bà con đang bức xúc lắm.
Đen: Quá vô lý.
Đá: Theo đó, nếu chăn thả trâu, bò ra ngoài đồng phải nộp tiền cho HTX “phí đồng cỏ” và “thế chấp chăn thả gia súc, gia cầm”.
Đen: Chắc phí quản lý với mức tượng trưng?
Đá: 100.000 đồng/con/năm, gọi là “phí đồng cỏ”. Nếu nuôi từ 1-3 con trâu, bò, nộp 300.000 đồng/năm…, từ 10 con trở lên nộp 2 triệu đồng/năm.
Đen: Và người ta gọi đây là tiền “thế chấp chăn thả”?.
Đá: Nếu không đóng, HTX sẽ cấm chăn thả trâu, bò ra ngoài đồng thuộc địa bàn xã.
Đen: Đúng là phép vua thua lệ làng.
Đá: Chưa hết, HTX còn thu phí đặt cọc 5 triệu đồng đối với những hộ có máy gặt, máy cày. Ngoài ra, mỗi máy phải đóng 10%/đầu sào phí dịch vụ.
Đen: Chính quyền đi đâu mà để HTX lộng hành o ép nông dân?
Đá: “Ông xã” biết rồi. Đang xác minh, làm rõ và quyết xử nghiêm các trường hợp sai phạm.
Đen: Để tôi yên tâm đầu tư về quê và hát bài “trâu ta ăn cỏ đồng ta”.
Đ .Đ