Trong những ngày Hà Nội chuyển mùa với gió rét và những cơn mưa bất chợt, có một cô ca sĩ "vắt chân lên cổ" để "chạy sô". Thoáng nghe, thấy việc ca sĩ chạy sô với chuyện Hà Nội chuyển mùa chẳng liên quan gì đến nhau vì mùa nào mà ca sĩ chẳng chạy sô. Nhưng với Thái Thùy Linh thì lại khác, vì cô "chạy sô" thiện nguyện. Thùy Linh sợ mùa đông đến sớm hơn mình, cô sẽ chẳng kịp mang quần áo đến cho học sinh dân tộc miền núi để các em có cái mặc trong những ngày đông giá.
Ca sĩ Thái Thùy Linh với biệt danh "Thái chủ nhiệm" ở chương trình "Mặc ấm" cho học sinh Sơn La.
8 năm về trước, cái tên Thái Thùy Linh nổi lên như một hiện tượng từ Sao Mai điểm hẹn năm 2004, một giọng ca đầy lửa với cách xử lý ca khúc rất riêng, rất cá tính. Cô đem đến cho công chúng hình ảnh một Thái Thùy Linh thân thiện nhưng không hiền lành, cởi mở nhưng không dễ dãi. Khán giả đón nhận một cô ca sĩ với vẻ ngoài mạnh mẽ, gai góc (hiện giờ vẻ ngoài đó còn có phần nam tính, như cô thú nhận). Đều đặn ra album với những phong cách khác nhau, người ta nói giọng ca của cô như một bông hoa nhiều màu sắc, sinh động như chính phong cách sống của cô.
Bẵng đi một thời gian, khán giả thấy vắng bóng cô trên sân khấu ca nhạc nhưng tần suất xuất hiện trên truyền hình vẫn cao. Cô chuyển sang làm giám khảo, "cầm cân nảy mực" cho Đồ Rê Mí - chương trình "siêu hot" dành cho thiếu nhi. Khán giả lại thấy một Thái Thùy Linh ân cần, dí dỏm và có nét đằm thắm. Cũng dễ hiểu thôi, giờ cô đã làm mẹ của một "công chúa" đáng yêu.
Sau khi Đồ Rê Mí kết thúc, khán giả chẳng thấy Thái Thùy Linh xuất hiện nữa. Lý do của sự vắng mặt lần này "hay ho" hơn nhiều: Cô đi "phủ sóng" vùng cao. Tìm hiểu mới biết, Thái Thùy Linh là chủ nhiệm của chương trình "Vì học sinh dân tộc miền núi", một chương trình thiện nguyện bắt đầu từ cuối năm 2011. Ý tưởng chương trình xuất phát từ chuyến đi vào cuối năm 2011 khi Linh có mặt trong đoàn từ thiện đến thăm học sinh trường THCS Nậm Mười (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái).
Với tư cách là ca sĩ biểu diễn, cô tham gia với mong muốn góp tiếng ca của mình mang niềm vui đến cho các em học sinh dân tộc miền núi. Khi đến nơi và chứng kiến cuộc sống dưới mức kham khổ của học sinh nơi đây, cô biết rằng chỉ góp tiếng ca là chưa đủ. Mấy đêm liền, cô mất ngủ vì nhớ tới bữa ăn chưa đến 2.000 đồng/ngày của các em. Cô trằn trọc khi giữa mùa đông giá lạnh mà hầu hết học sinh đều mặc phong phanh, cơ thể tím tái. Cô nhớ tới nồi cơm độn sắn, bát cơm chan nước canh được chế biến từ quả trám băm nhỏ, đun với muối trắng mà cô chưa bao giờ có thể tưởng tượng ra.
Sau chuyến đi đó, Linh đã quay lại và ở 4 ngày tại trường, tìm hiểu về cuộc sống của các em. Khi trở về, cô ca sĩ trẻ suy nghĩ rất nhiều và quyết tâm làm một điều gì đó. Và chương trình "Vì học sinh dân tộc miền núi" ra đời. Suy đi tính lại, Linh thấy thời tiết miền núi khắc nghiệt, luôn lạnh thấu xương mà các em chẳng có quần áo ấm, em nào có thì chiếc áo đó cũng rách tả tơi. Quyết là làm, cô lên trang cá nhân kêu gọi các tình nguyện viên, mạnh thường quân để thực hiện chiến dịch Mặc ấm. Thùy Linh mong muốn sẽ thực hiện chương trình này đến khi nào các em không còn thiếu áo rét nữa thì mới dừng lại.
Tháng 11 này, Mặc ấm đã có chuyến đi lớn thứ hai. Thái Thùy Linh hồ hởi khoe rằng chưa có chương trình nào có thể quyên góp được nhiều quần áo như Mặc ấm. Chỉ riêng chuyến đi Tuyên Quang cuối tháng 11 này, Mặc ấm đã chuyển được 40.000 bộ quần áo tới tận tay 33.000 học sinh nghèo của tỉnh cùng 30.000 quyển vở mới và rất nhiều dụng cụ học tập.
Câu chuyện nghệ sĩ đi làm từ thiện không phải là mới, nhưng Thái Thùy Linh có lẽ là người đầu tiên nhận mình đang PR, đánh bóng tên tuổi, cô nói: "Mọi người nói Linh PR cũng được, nếu điều đó đồng nghĩa với việc nhiều người biết đến chương trình hơn để rồi có nhiều học sinh dân tộc miền núi nhận được sự trợ giúp của xã hội".
Kỳ sau:Thái Thùy Linh và những hình ảnh gắn với “từ thiện”
Thanh Xuân