“Sao em nỡ vội lấy chồng”?

“Sao em nỡ vội lấy chồng”?

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Thứ 2, 07/05/2018 11:14

Dù vì bất cứ lý do gì, tôi cũng không bao giờ cho phép con gái mình làm “cô dâu 13 tuổi”, độ tuổi quá non nớt để lường trước tương lai hay lựa chọn bạn đời.

Gửi ông xa nhớ!

Tôi vừa thức trắng đêm để tâm sự với con Út, đợi nó đi làm rồi tôi mới vào bàn gửi email cho ông. Thực ra, tôi và nó đã bàn nhau sẽ nói ra tất cả sau chuyến đi nghỉ dưỡng cùng hội hưu trí. Nào ngờ, lời dị nghị đã vượt mấy trăm cây số đến tai ông.

Cách đây vài hôm tôi có đọc một bài báo về lễ đính hôn dựng rạp, 20 mâm cỗ ở miền Tây giữa một cô bé đang học lớp 6 và một nam thanh niên 20 tuổi. Mới hay tin này, tôi cứ ngỡ nhà trai và nhà gái vốn là chỗ thân thiết nên đã se duyên, tạo hôn ước cho con cái. Song chuyện không đơn giản như vậy.

Khi làm việc với chính quyền địa phương, cha chú rể cho biết gia đình ông không có ý định cho con trai kết hôn lúc này, tuy nhiên phía nhà gái đã yêu cầu phải tổ chức cưới sau khi đôi trẻ hẹn hò được hai tháng. Dù mẹ chú rể đã từ chối nhưng gia đình bé gái vẫn không đồng ý và bảo phải “nạp tài” để bà tổ chức lễ đính hôn. Sau cùng, nhà trai đã phải vay ngân hàng 45 triệu đồng và chia cho nhà gái phân nửa để tổ chức tiệc.

Cafe8 - “Sao em nỡ vội lấy chồng”?

Hình cưới của "cô dâu nhí". Ảnh: Internet.

 

Sự tình lắt léo khiến nhiều bạn đọc rơi vào trạng thái hoang mang, bởi ngay cả chính quyền địa phương cũng chưa thể xác định được sự kiện ngày hôm đó là lễ đính hôn hay lễ cưới. Độ tuổi chênh lệch của đôi trẻ, cái “gật đầu” khiên cưỡng của nhà trai còn đặt ra câu hỏi về uẩn khúc đằng sau câu chuyện này.

Song việc biến tướng vi phạm pháp luật, nếu có hoặc chuẩn bị phát sinh trong thời gian tới sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định hiện hành. Tôi chỉ muốn ông suy xét một cách nghiêm túc về chuyện gả chồng hay chính xác hơn là ép con lấy chồng. Là tôi, dù vì bất cứ lý do gì, tôi cũng không bao giờ cho phép con làm “cô dâu 13 tuổi” – độ tuổi quá non nớt để lường trước tương lai hay lựa chọn bạn đời.

Từ xưa đến nay, ông luôn tự hào về nề nếp trong gia đình mình, mỗi lần bà con chòm xóm xuýt xoa khen thằng Hai, con Út lễ phép, biết đường ăn lối ở là ông lại phổng mũi, lâng lâng mấy hôm liền. Ở nhà, ông rèn con từ cách đi đứng, ăn nói đến việc cầm đũa, xới cơm và nhai thức ăn sao cho duyên dáng, thanh lịch nhất.

Bởi vậy, chuyện con Út không chồng mà chửa với ông là chuyện không thể chấp nhận được. Tôi cũng như ông, muốn biết cha đứa bé là ai, sống ở đâu, làm nghề gì. Nhưng ông cũng thấy rồi đấy, ông càng hỏi dồn, con Út càng thu mình lại. Nó thủ thỉ với tôi, giờ chỉ còn cách đi biệt xứ để ông đỡ xấu hổ.

Bởi vậy, tôi muốn hỏi ông nếu biết được trọn vẹn sự thật ông sẽ làm gì, đến nhà trai và bắt cưới như bà mẹ trong câu chuyện trên ư? Nếu cha đứa bé là người tử tế, nó phải đến đây khẩn cầu tôi để được mang “cả trâu lẫn nghé” về.

Mặt mũi quan trọng thật nhưng đâu quan trọng bằng hạnh phúc thực sự của con gái mình. Đã dứt ruột đẻ ra, nuôi nấng bao năm, ăn học thành tài, sao phải ruồng rẫy khi nó sắp đảm đương một thiên chức diệu kỳ? Ông hãy suy nghĩ thật kỹ rồi viết thư trả lời tôi!

Mong tin ông!

Vợ của ông

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.