Tủi thân khi lần đầu đón Tết xa quê
“Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi/ Người ra Trung, ra Bắc, vô Nam/ Dù đi đâu ai cũng nhớ/ Về chung vui bên gia đình", những câu hát quá đỗi quen thuộc trong ca khúc Ngày Tết quê em của cố nhạc sĩ Từ Huy gợi lên không khí đoàn viên ấm áp mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Tết đến Xuân về là dịp đặc biệt mà người dân trên dải đất hình chữ S háo hức trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị những bữa cơm ấm cúng, quây quần bên gia đình, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới.
Nhưng trái ngược với không khí rộn ràng ở quê nhà, ít ai thấu được cảm giác bồi hồi, nhớ nhung của các kiều bào khi đón Tết nơi xứ người. 16 năm xa Việt Nam, đón Tết nơi đất khách quê người, thấm thía nỗi buồn, nỗi nhớ vào thời khắc chuyển giao năm mới, nên các nghệ sĩ hải ngoại như Bằng Kiều, Thu Phương càng trân trọng ngày Tết Nguyên đán.
Sang Mỹ định cư từ năm 2002, nhưng Bằng Kiều vẫn không nguôi nhớ nhung "mùi vị" Tết và không khí xuân thuở còn sinh sống ở Việt Nam. “Quê nội, ngoại của tôi cách trung tâm TP.Hà Nội khoảng 40km. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác háo hức được theo bố mẹ về quê đón Tết, quây quần bên họ hàng, gói bánh chưng. Thích nhất không khí tấp nập, rộn ràng khi hòa vào dòng người đi chợ phiên, chợ Tết để mua sắm. Và cảm giác thật sung sướng khi được nhận phong bao lì xì và những lời chúc đầu xuân năm mới. Thực sự, đó là một nét đẹp đặc biệt dịp Tết đến xuân về mà không nơi nào trên thế giới có được”, Bằng Kiều nhớ lại.
Giống như Bằng Kiều, dù đã sống ở Mỹ 16 năm, nhưng với Thu Phương, tất cả những ký ức về Tết cổ truyền vẫn luôn sâu đậm trong tâm trí của chị. “Cứ đến Tết cổ truyền, những kỷ niệm đẹp trong suốt tuổi thơ sinh sống ở Việt Nam lại ùa về. Nhất là thời gian đầu xa quê, cảm xúc ấy càng mãnh liệt, những ngày Tết thực sự rất ám ảnh. Lúc ấy, tôi tủi thân chỉ biết nằm khóc vì quá nhớ mọi người ở quê nhà. Dù đi đâu, làm gì, nhưng khoảng thời gian gắn bó bên gia đình, bạn bè tại Việt Nam đối với tôi quá đỗi thân thương, gần gũi và ấm áp đến nhường nào. Những ký ức tuyệt đẹp ấy sẽ theo tôi suốt cuộc đời”, giọng ca Mắt buồn bồi hồi.
Nguyên tắc “bất di bất dịch” dịp Tết
Nhắc đến Tết cổ truyền của Việt Nam, người ta nhớ ngay đến hình ảnh “cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Vậy nên, hẳn rất nhiều tò mò về cái Tết của các kiều bào nơi xứ người. Theo chia sẻ của giọng ca Trái tim bên lề, những năm gần đây, không khí đón Tết Nguyên đán nơi anh sinh sống cũng ấm áp, rộn ràng không kém.
“Khu nhà của tôi và Thu Phương ở Mỹ có rất nhiều người Việt sinh sống. Vì thế mỗi lần Tết đến, mọi người đều háo hức chuẩn bị để có một cái Tết truyền thống ấm cúng, đoàn tụ bên nhau. Thậm chí, không ít lần Thu Phương còn sang nhà tôi để gói bánh chưng. Đặc biệt, trong những ngày lễ này, chúng tôi vẫn được sống trong niềm hân hoan đón năm mới với tiếng pháo giòn vang từ đêm giao thừa cho đến hết đêm mùng 3 Tết”, giọng ca Lắng nghe mùa xuân về kể lại. Để thấy rằng, dù xa quê hương đã lâu, nhưng các nghệ sĩ hải ngoại vẫn không quên cội nguồn và luôn cố gắng giữ gìn nét đẹp truyền thống nơi “đất khách”.
“Bao năm trôi qua, cái cảm giác đón Tết cổ truyền mà những kiều bào như tôi đã trải qua gói gọn trong chữ Thương và Cố gắng. Bản thân mình xa quê lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, trải qua biết bao hỉ nộ ái ố. Thế nên, khi đã có gia đình, tôi luôn cố gắng hướng các con của mình hiểu thêm về sợi dây kết nối, đoàn tụ các thành viên với nhau trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Tôi vẫn luôn nhắc nhở các con những dịp đó nên đi chùa, tới thăm người thân họ hàng, tham gia những hội chợ Tết trong khu vực mình sinh sống để lưu giữ những hình ảnh, văn hóa của quê hương”, Thu Phương trải lòng.
Còn với Bằng Kiều, vì quá thấu hiểu cảm giác đón lễ Tết nơi xa xứ, thế nên, suốt 16 năm qua, anh đã tự đặt ra cho mình một nguyên tắc “bất di bất dịch” là không nhận lời biểu diễn xa trong dịp Tết, mà dành thời gian cho gia đình và các con đến hết mùng 3 Tết. Thế nên, với Bằng Kiều, Thu Phương hay nhiều nghệ sĩ hải ngoại khác, việc chấp nhận xa gia đình đúng dịp lễ Tết để đi hát, chạy show quả thực là một quyết định cực kỳ khó khăn.
Nữ ca sĩ đất Cảng bộc bạch, để đưa ra quyết định nhận lời tham gia các chương trình ca nhạc trong những dịp đặc biệt này, chị phải chấp nhận đánh đổi trách nhiệm với gia đình. “Dẫu sao tôi cũng là phụ nữ, mang bổn phận của một người vợ, người mẹ trong gia đình, nhà lại đông con, nên khi quyết định dành thời gian quý báu đó cho khán giả, đồng nghĩa tôi phải trả giá cho vai trò của mình với các con và gia đình”, Thu Phương trải lòng. Chính vì lẽ đó, nên mỗi lần được trở về với Việt Nam dù không phải dịp lễ Tết, nhưng các nghệ sĩ luôn trân quý khoảng thời gian quý báu nơi quê nhà để tận hưởng những gì mình đã và đang có. Với họ, những nỗ lực và cố gắng gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống sau bao năm xa quê giúp cho cuộc sống thêm phần ý nghĩa và gắn kết.
“Như một quy luật của tạo hóa, sau một năm đợi chờ Tết đến xuân về, thời khắc giao thừa cũng sẽ trôi qua, nhưng đọng lại trong tâm trí của chúng ta vẫn là những khoảnh khắc tuyệt đẹp đầy ý nghĩa. Vốn sống xa quê từ lâu, và may mắn có cơ hội trải nghiệm cuộc sống ở nhiều nơi trên thế giới, thế nên tôi càng trân trọng và cảm ơn những lúc được trở về cội nguồn”, Thu Phương bày tỏ.