Các nhà khoa học thuộc đại học Oxford, Anh, đại học Tennesse, Mỹ vừa có những phân tích đáng chú ý về thành phần của những mẫu đá nằm sâu trong lòng sao Hỏa. Đó là mẫu đá bị văng ra ngoài khi núi lửa hoạt động, do tàu thám hiểm Spirit lấy về từ núi lửa Gusev trong chuyến thám hiểm năm 2010. Chưa hết, họ còn tiến hành phân tích những mẫu đá lấy từ thiên thạch sao Hỏa, bị va vào Trái đất trong quá khứ, có tên thiên thạch SNC, để tìm ra mối quan hệ giữa 2 dạng đá này.
Họ nhận thấy những mẫu đá lấy trên bề mặt sao Hỏa có tuổi đời 3,7 tỉ năm có nhiều nickel gấp 5 lần so với những mẫu đá lấy từ thiên thạch có nguồn gốc sao Hỏa có tuổi đời từ 118 triệu năm đến 1,3 tỉ năm.
Sao Hỏa từng là hành tinh đầy oxy, trước Trái đất 1,5 tỉ năm.
Theo mô hình của Bernard Wood, một nhà địa chất học thuộc đại học Oxford, Anh thì những mẫu đá “già” hơn được hình thành trong điều kiện giàu oxy, trong khi những mẫu thiên thạch SNC "trẻ" hơn được hình thành trong điều kiện ít oxy.
Khi những dòng dung nham tạo ra đá thiên thạch SNC được hình thành trong điều kiện lòng sao Hỏa nghèo oxy, chất sulfit cùng với nickel vẫn bị giữ lại trong lòng sao Hỏa nên đá núi lửa có ít nickel hơn. Trong khi đó, đá trên bề mặt sao Hỏa được hình thành trong điều kiện lòng sao Hỏa giàu oxy, sulfit và nickel được giải phóng theo dòng dung nham nên đá nhiều nickel hơn.
Mô hình này của Wood phù hợp với giả thuyết trước đây sao Hỏa là một hành tinh ấm và ẩm ướt, khí quyển tràn ngập oxy.
“Trên Trái đất, những hòn đá giàu oxy sẽ được chuyển vào trong lòng Trái đất thông qua hoạt động kiến tạo địa chất. Có thể hoạt động này từng xảy ra trên sao Hỏa”, Wood cho biết.
Đây có thể là lý do những hòn đá giàu oxy, già hơn lại được tìm thấy ở lớp vỏ phía trên trong khi những hòn đá trẻ, nghèo oxy lại “tụt” xuống phía sâu hơn.
Theo Kiến thức