Sao mẹ cứ đòi lấy chồng?

Sao mẹ cứ đòi lấy chồng?

Thứ 7, 24/08/2013 09:22

Lợi thì suốt buổi ngồi rấm rứt khóc, nhắc đi nhắc lại mỗi câu: "Tụi con có để mẹ thiếu gì đâu. Từng tuổi nả mẹ còn muốn lấy chồng để làm gì?".

Mười chín tuổi, Nga lên xe hoa, một đám cưới có thể nói là hoành tráng nhất xóm cầu Kinh thời bao cấp. Nhưng đó không phải là kết quả của mối tình ngọt ngào mà là sự ép buộc của mẹ cha. Dù vậy, Nga cũng gắng làm tròn vai trò người vợ, người mẹ. Ấy thế mà, hạnh phúc cũng không song hành cùng Nga cho đến hết cuộc đời.

Hai mươi lăm tuổi, Nga trở thành góa phụ khi chồng đột ngột ra đi vì một tai nạn giao thông. Một nách hai đứa con. Thắng, cậu con trai lớn lên năm còn em gái nó, bé Lợi vừa giáp thôi nôi mấy bữa. Sau cú sốc nặng nề đó, Nga như con thuyền nhỏ xuôi ngược giữa dòng đời mà lúc nào cũng nơm nớp lo sợ giông bão sẽ nổi lên nhấn chìm cả ba mẹ con giữa trùng khơi.

Gia đình - Sao mẹ cứ đòi lấy chồng?

Ảnh minh họa.

Thương tình mẹ góa con côi, ban giám đốc lâm trường nhận Nga vào làm văn thư để có thu nhập ổn định nuôi con. Thế là chị như con thoi mỗi ngày lao từ lâm trường về nhà, ra chợ, vô nhà trẻ… trong cái năng hanh hao mùa hạ và cái lạnh tê tái lúc đông về. Nhưng lo lăng và sợ hãi nhất với Nha có lẽ là những ngày Thắng và Lợi thay nhau nằm viện. Nhìn con thoi thóp thở, chị đứt từng đoạn ruột. Nhìn xung quanh, ai đi nuôi con bệnh cũng đủ chồng, đủ vợ. Nga tủi thân ứa nước mắt.

Hơn hai mươi năm thân cò lặn lội, một mình chị chiếc bóng đương đầu với không biết bao nhiêu nỗi khắc nghiệt của cuộc sống, của thế thái nhân tình. Nhưng cho dầu có chống chọi với bao nhiêu khó khăn vất vả thì cuộc chiến với chính mình đối với Nga mới là cuộc chiến khốc liệt nhất. Những lời tán tỉnh ngọt ngào, kể cả những cái bẫy được giăng ra của mấy người đàn ông tử tế lẫn mấy gã đèo bòng, chị đều phải cảnh giác.

Vậy mà cũng có một lần suýt nữa chị đã về làm vợ một người đàn ông vì tấm lòng tử tế của anh làm chị xiêu lòng. Đêm trước cái ngày chị hẹn để trả lời cho anh là một đêm thật dài. Chị phân vân giữa cái được cái mất và cuối cùng sau một đêm thức trắng, chị quyết định từ chối cuộc hôn nhân ấy.

Một lần nữa, là năm chị sắp bước qua cái tuổi bốn mươi khi gặp lại người bạn thời thanh xuân của mình. Tuấn đã trải qua cuộc hôn nhân đầy sóng gió và đã ly dị. Khát khao một mái ấm gia đình cũng suýt nữa đã đưa họ đến với nhau. Và một lần nữa, Tuấn như áng mây tình cờ ngang qua gốc trời của chị, bềnh bồng lướt nhẹ và trôi đi.

Từ đó, chị không còn thấy trống trải một góc bàn trong mỗi bữa ăn, không còn thấy trống trải một bên chăn trong mỗi giấc ngủ. Ngôi nhà với ba mẹ con họ tròn trịa yêu thương, tràn trề hạnh phúc, như bất cứ một gia đình đầy đủ nào trên thế gian này. Nhưng đó là khi, một buổi chiều đi làm về các con mừng vui ríu rít quây quần lấy chân mẹ tranh nhau kể chuyện trường lớp, chuyện bạn bè. Tối đến, trong tiếng mưa rơi rả rích, chúng rúc vào lòng mẹ nằm nghe chuyện đời xưa.

Còn khi mà ngôi nhà trở nên quạnh vắng thì góc nào cũng thấy thênh thang. Lợi theo chồng xuống Sài Gòn, vợ chồng Thắng suốt ngày bận rộn chuyện cơ quan, không ai thấu hiểu nỗi quạnh hiu của chị ngoài cái việc các con xem chị như là niềm tự hào vô biên của chúng, niềm kiêu hãnh của gia đình, dòng họ và là sự yêu mến đãi trọng của mọi người xung quanh.

Trong câu lạc bộ người cao tuổi, có một người bạn xâp xỉ tuổi chị. Anh là Tân, cũng góa vợ gần mười năm nay. Anh có hai con trai đã trưởng thành, một người con có gia đình riêng lập nghiệp tận Lâm Đồng. Đứa còn lại chưa có gia đình đang ở với anh. Vì có nhiều điểm chung nên chị Nga và Tân dễ dàng hiểu và thông cảm cho nhau. Tình cảm của họ ngày càng lớn dần lên trong sự cẩn trọng, e dè. Mọi người trong câu lạc bộ hình như cũng mơ hồ hiểu chuyện, họ bóng gió xa xôi, ai cũng muốn vun vào cho hai người.

Yêu nhau trong tình cảnh như chị và Tân đã khó, làm sao được ở chung nhau trong một mái nhà cho đến hết đời càng khó hơn. Sau nhiều ngày đắn đo cân nhắc kỹ, Tân quyết định sẽ thẳng thắn nói rõ nguyện vọng cho các con của chị biết.

Cuộc gặp gỡ giữa hai gia đình được sắp xếp vào một buổi sáng cuối tuần với đầy đủ hai bên gồm có anh Tân, hai con trai và một con dâu. Chị Nga, một con gái, một con trai, một dâu và một rể. Được hỏi ý kiến, Thắng là người gay gắt nhất. Anh cho rằng, mẹ chính là niềm tự hào của cả gia đình, việc mẹ đi thêm bước nữa ở tuổi này sẽ làm ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội của anh.

Vợ Thắng càng giãy nảy hơn vì xưa nay đi đâu chị cũng khoe mẹ chồng chị chỉ còn thiếu sắc phong “tiết hạnh khả phong” nữa mà thôi, chị sẽ đối phó thế nào với những lời gièm pha của mọi người bên gia đình chị. Lợi thì suốt buổi ngồi rấm rứt khóc, nhắc đi nhắc lại mỗi câu: “Tụi con có để mẹ thiếu gì đâu. Từng tuổi nả mẹ còn muốn lấy chồng để làm gì?”.

Lấy chồng để làm gì? Nga biết trả lời các con làm sao đây? Các con đâu hiểu những đêm dài lạnh lẽo, nước mắt đầy gối khi tuổi già ngày càng cận kề. Các con đâu hiểu và biết từng góc nhà giờ đã trở nên rộng vắng đến ghê người… Cũng có thể đến một ngày nào đó, khi các con thông cảm, hiểu và ủng hộ mẹ thì mọi chuyện đã quá muộn. Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi!

Gia đình - Sao mẹ cứ đòi lấy chồng? (Hình 2).
Ảnh minh họa

Chia sẻ của người trong cuộc

"Bố tôi mất hơn 15 năm, mẹ tôi ở vậy nuôi ba chị em khôn lớn. Hai chị lớn của tôi đều đã yên bề gia thất, còn tôi thì đi học xa nhà. Mẹ tôi lầm lũi ở quê chăm con gà và vài luống rau. Cấc chị gái tôi đều muốn đón mẹ về ở cùng nhưng cuộc sống nơi thành thị không phù hợp với mẹ. Mỗi lần tôi về thăm mẹ, tôi đều không khỏi chạnh lòng, nhưng biết làm sao được".

"Tình cờ tôi nghe hàng xóm nói phong thanh có một bác ở xóm trên cũng thích mẹ tôi. Bác ấy hơn mẹ tôi chừng 5 tuổi, cũng có hoàn cảnh giống mẹ tôi, mẹ mất sớm, một mình nuôi các con thành tài. Sau nhiều lần cân nhắc, tôi cũng gợi ý cho mẹ để mẹ tôi có người bầu bạn nhưng lần nào mẹ tôi cũng gạt đi: 'mẹ già rồi, chừng ấy năm sống một mình có sao đây, ham gì chuyện chồng với chiếc nữa con!'. Đối với chị em tôi, nếu mẹ muốn đi bước nữa thì cũng rất bình thường. Chúng ta cứ nghĩ đơn giản rằng, mẹ mình cảm thấy hạnh phúc được ngày nào thì vui ngày đó thôi". (chị Hương Trà – Đắk Lắk).

"Mẹ và bố tôi ly dị hồi tôi chỉ vài tháng tuổi. Rồi mẹ tôi đi xuất khẩu lao động sang Nga, sau đó mẹ đưa tôi sang. Thời đó, mẹ tôi là người phụ nữ đẹp nên có nhiều người đàn ông ngỏ lời, nhưng vì tôi nên mẹ cương quyết từ chối. Hết thời gian lao động, mẹ con tôi về nước. Khi về Việt Nam, mẹ tôi gặp lại người yêu cũ một thời. Người đàn ông này cũng góa vợ".

"Thời điểm đó, mấy anh chị em con bác ấy và tôi đều phản đối kịch liệt chuyện đi bước nữa của hai người. Phần vì lo hàng xóm, bà con họ cười chê, phần vì tôi không muốn chia sẻ tình cảm của mẹ dành cho tôi. Bây giờ tôi đã lập gia đình, còn mẹ tôi thì vẫn ở vậy, chăm sóc các con tôi. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng thở dài của mẹ, đôi mắt mẹ u buồn, tôi vô cùng ân hận!”. (Nickname Bún, thành phố Hồ Chí Minh).

"Ở tuổi 53, mẹ tôi lại lên xe hoa về nhà chồng, gương mặt mẹ rạng ngời hạnh phúc. Dù chị em tôi khá bất ngờ với tin mẹ cưới chồng nhưng ai cũng mừng vì từ đây mẹ có người bầu bạn tuổi già. Sau 5 tháng mẹ về nhà chồng, một đêm mẹ gọi điện cho tôi. Mẹ kể mấy đứa con chồng đối xử với mẹ rất tệ, họ cho rằng mẹ tôi lấy ba họ vì tiền, lại thường xuyên sai mẹ tôi làm việc trong nhà như con ở".

"Mẹ đem chuyện nói với chồng thì ông chỉ im lặng, chẳng lên tiếng dạy bảo con. Mẹ tôi cảm thấy uất nghẹn, tự nguyền rủa mình là già mà còn dại. Thương mẹ, chị em tôi cũng lên nói chuyện phải trái với dượng và mấy anh chị bên đó, nhưng mọi chuyện  cũng không đi tới đâu. Mẹ lại về ở với chúng tôi. Nếu tôi biết cớ sự này thì chắc chắn tôi đã không để mẹ kết hôn lần nữa". (Hải Triều – Cà Mau).

Ý kiến chuyên gia tâm lý


Quyết định  kết hôn lần nữa luôn khó khăn đối với người lớn tuổi và càng khó khăn hơn khi con cháu đều lên tiếng phản đối. Bản thân con cháu thường cảm thấy sốc trước tin bố/mẹ, ông/bà muốn đi bước nữa, họ cảm thấy tình cảm bị chia sẻ, họ sợ hàng xóm chê cười hoặc vì sĩ diện xã hội...

Tuy nhiên, điều quan trọng là bản thân người trong cuộc phải xác định được việc kết hôn xuất phát từ tình cảm thật của bản thân và tìm hiểu kỹ tình cảm đối phương. Tạo điều kiện để đối phương được tiếp xúc với con cháu trong nhà. Khi con cháu cảm thấy bố/mẹ, ông/bà của mình đang hạnh phúc và khỏe mạnh bên cạnh người yêu thì chắc chắn các cháu sẽ chia sẻ và ủng hộ.

Theo Dòng đời

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.