Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) vừa công bố doanh số tiêu thụ tháng 9/2024. Theo đó, tháng 9/2024 ghi nhận doanh số 30,16 triệu USD, tăng gần 49% so cùng kỳ.
Cụ thể, Sao Ta cho biết lượng sản xuất tôm thành phẩm trong tháng 9/2024 đạt 2.309 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tiêu thụ tôm thành phẩm 2.638 tấn, tăng 47% so với cùng kỳ. Sản xuất nông sản thành phẩm 77 tấn, giảm 10% so cùng kỳ. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm ghi nhận giảm 2% xuống còn 126 tấn.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh số tiêu thụ của Sao Ta ước đạt gần 187 triệu USD, tương đương 4.510 tỷ đồng (tính theo tỉ giá hiện hành). Năm 2024, công ty lên kế hoạch doanh số tiêu thụ đạt 210 triệu USD. Như vậy, kết quả trên đã giúp công ty thực hiện 89% mục tiêu đề ra.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, khi chia sẻ với cổ đông về vụ kiện CVD ngành tôm từ thị trường Hoa Kỳ, ban lãnh đạo Sao Ta đánh giá đây là vấn đề phức tạp và chưa có tiền lệ. Do đó, trước mắt công ty sẽ tập trung bán vào Hoa Kỳ những mặt hàng không vướng thuế hoặc những mặt hàng có thuế nhưng bán được giá tốt.
Theo lãnh đạo Sao Ta, mức CVD của Hoa Kỳ đối với tôm Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác, tuy nhiên đây mức là mức công bố sơ bộ, mức thuế cuối cùng dự kiến chốt trong thời gian ngắn tới. Nếu mức thuế CVD cuối cùng của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác thì đây là lợi thế cho tôm Việt.
Đối tượng đánh thuế chống trợ cấp cũng tương tự như hoạt động chống bán phá giá, trong đó tôm tẩm bột và tôm chiên không bị áp thuế.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 9 tháng qua, xuất khẩu thủy sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 9, kim ngạch xuất khẩu đạt 866 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng 9/2023. Nhìn chung năm 2024, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tái lập quỹ đạo tăng trưởng, tăng tốc mạnh mẽ trong nửa cuối năm và đạt đỉnh vào quý III.
Cụ thể, theo VASEP, xuất khẩu thủy sản trong quý III năm nay đạt 2,76 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chủ lực đều ghi nhận những bước tiến vượt bậc, trong đó cá tra tăng 13,5%, tôm tăng 17,5%, cua ghẹ tăng 56% và nhuyễn thể có vỏ tăng đến 95%.
Tôm tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, với gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ 2023. Tuy giá tôm đông lạnh vẫn chưa hồi phục rõ rệt và cạnh tranh với tôm từ Ecuador và Ấn Độ, nhưng tôm chế biến của Việt Nam vẫn giữ vị thế vững chắc trên thị trường. Đến cuối tháng 9, xuất khẩu tôm chân trắng chế biến tăng gần 10%, trong khi tôm chân trắng đông lạnh tăng nhẹ 4,5%, đạt gần 2 tỷ USD, và tôm sú đạt 334 triệu USD.
Tuy nhiên, xuất khẩu cá ngừ trong tháng 9 lại giảm gần 6% so với cùng kỳ, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong quý III chỉ tăng nhẹ 4%. Từ tháng 8, xuất khẩu cá ngừ bắt đầu chững lại và có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm do quy định về kích thước tối thiểu 0,5m đối với cá ngừ khai thác, gây khó khăn cho ngư dân và doanh nghiệp trong việc thu mua nguyên liệu.