Vì rất nhiều lý do, họ phải "vay nóng", "vay nguội" với số tiền nhỏ, chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng thành nợ thật tới mức gia đình phải trả nợ cho vài chục triệu đồng.
Doanh nghiệp "vay nóng" vài chục triệu đồng, trả cả lãi lẫn gốc lên tới vài trăm triệu đồng. Từ đây hé lộ một sự thực là "vay nóng" hay "vay nguội" đều là chiêu hiểm hóc của đối tượng tín dụng đen, buộc người vay phải nợ thật.
Không ít người "sập bẫy" cho vay trên mạng.
Không đủ kiên nhẫn chờ đợi các thủ tục cho vay vốn của các ngân hàng, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã phải mạo hiểm tìm đến dịch vụ "vay nóng" ngoài "chợ đen".
Gần đây, hình thức "vay nóng" này lại phát triển rầm rộ trên cả chợ mạng - một hình thức vay ảo mà nợ thật. Thế là không ít người đã tự "gặt" những khoản nợ khổng lồ.
Vay được vốn "nóng" đồng nghĩa với việc lãi suất cũng "nóng". Nhiều người nói rằng, đã "vay nóng" tức là tự "thò cổ vào thòng lọng".
Anh Nguyễn Quân (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội), một người từng "vay nóng" qua mạng cho biết, để có 100 triệu đồng đầu tư sản xuất, anh đã tìm đến một địa chỉ "vay nóng" qua mạng, với mức lãi thỏa thuận là 9% một tháng.
Nhưng vì một số lí do mà anh không trả lãi đúng hạn, vì thế mà chủ nợ tăng lãi lên gấp đôi. "Nợ cũ chưa trả được, nợ mới lại phát sinh. Vay 100 triệu đồng chưa được một tháng mà tiền lãi đến đến gần 20 triệu đồng", anh Quân than thở.
Rất nhiều trường hợp rơi vào tình trạng luẩn quẩn: Nợ cũ chưa trả xong đã lại phải đi "vay nóng" về trả nợ mới. Hậu quả là hiệu quả kinh doanh chưa thấy đâu trong khi nợ nần ngày càng chồng chất.
Đối với các "ngân hàng tín dụng đen", cho "vay nóng" cũng chịu mức độ rủi ro không nhỏ. Họ không thể thẩm định kỹ người vay.
Hơn nữa, điều kiện cho vay không thế chấp chỉ cần có hộ khẩu (hoặc KT3) và giấy xác nhận 3 tháng lương gần nhất. Thực ra, tất cả những giấy tờ này đều có thể mua được.
Theo anh Nguyễn T., một tay "chợ đen" chuyên môi giới tuyển sinh tại Hà Nội, thì chỉ cần bỏ ra khoảng 4 triệu đồng là có giấy KT3, và chỉ mất vài trăm nghìn đồng là có giấy chứng nhận 3 tháng lương gần nhất.
Trao đổi về vấn đề trên, luật sư Vũ Văn Đảng (đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hoạt động cho vay nặng lãi là một hoạt động phi chính thức và chỉ có hoạt động huy động vốn và cho vay của ngân hàng, tổ chức tín dụng mới là hoạt động chính thức, được pháp luật công nhận và cho phép. Bởi ngân hàng đang là một công cụ hữu hiệu giúp cho nền kinh tế quốc dân phát triển và đang giúp cho GDP tăng trưởng hàng năm.
Trong các điều 476, điều 479 của mục 4: Hợp đồng vay tài sản, bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định rất rõ, ngăn cấm dịch vụ "vay nóng" với lãi suất cắt cổ. Do đó, người cần vay vốn nên thông qua các ngân hàng để được đảm bảo quyền lợi của mình.
Xuất hiện hình thức "vay lạ" Nhiều topic còn có hình thức cho vay rất mới lạ mà không cần thế chấp. Người muốn vay tiền sẽ đăng ký mua hàng tại nơi cho vay, giá của món hàng đó đã bao gồm 10% VAT và tiền lãi cửa hàng. Sau đó, bên cho vay sẽ thu món hàng đó trừ VAT và tiền lãi mà cửa hàng bán món hàng đó và đưa lại tiền mặt cho người vay tiền. Với hình thức vay kiểu này, các cửa hàng sẽ đồng ý với các khoản vay nhỏ từ 5 - 15 triệu đồng/lần. |
Ngân Giang
(Còn nữa)