Phản ánh với Phóng viên, anh Nguyễn Dương Cờ (trú tại vĩnh Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) cho biết vừa bị "sập bẫy" lừa đảo sau khi vay tiền online.
Anh Cờ cho hay, do gia đình đang cần 1 khoản tiền để kinh doanh nên anh có tìm hiểu hình thức vay tiền online. Đến ngày 24/6, anh nhận được cuộc điện thoại của 1 người đàn ông giới thiệu là nhân viên tài chính của Công ty Cổ phần đầu tư Tài chính Nam An mời chào cho vay tiền từ 30 triệu đồng đến 500 triệu đồng theo kỳ hạn các gói 12,18, 24, 36 tháng với lãi suất chỉ khoảng 0,7%/tháng.
Các đối tượng làm giả văn bản thông báo, con dấu của Kho bạc Nhà nước.
"Do vợ tôi mới bị thất nghiệp nên tôi muốn mở cho vợ 1 quán trà sữa để kiếm thêm thu nhập. Qua tham khảo giá trị trường thì tôi cần thêm 100 triệu đồng, để thủ tục nhanh gọn tôi mới quyết định vay tiền online. Sau khi tìm hiểu trên mạng thì tôi thấy tên công ty này uy tín, có tư cách pháp nhân nên không nghĩ gì mà quyết định gửi giấy tờ cá nhân để vay tiền", anh Cờ kể.
Đến hôm sau, một người khác xưng tên Lê Hoàng Thạch và là thẩm định viên cũng như là nhân viên giải ngân của công ty kết bạn Zalo với anh Cờ để hướng dẫn vay tiền.
Sau khi gửi hoàn thiện thông tin cá nhân cho người tên Lê Hoàng Thạch, anh Cờ được thông báo hồ sơ vay đã được thông qua và được hướng dẫn kích vào đường link (http://tx2373.com) rồi thực hiện rút tiền với mã rút tiền do Thạch cung cấp.
Tuy nhiên sau khi nhập mã thì hệ thống báo lỗi, không cho rút tiền. Ngay sau đó Thạch đã gửi 1 văn bản có ghi Kho Bạc Nhà Nước, Bộ Tài chính với nội dung: “Để thực hiện việc xác thực thông tin cá nhân người bị hại thông qua tài khoản hiển thị trên hệ thống ngân hàng cả nước theo quy định thông qua Bộ Tư pháp. Số tiền đã được đóng băng để đảm bảo tài sản cho khách hàng. Ban lãnh đạo đã nghị quyết yêu cầu khách hàng dùng tài chính cá nhân để thực hiện lệnh chuyển 1 số tiền 10.000.000VNĐ chuyển từ số tài khoản chính chủ vào số tài khoản chỉ định ủy quyền liên kết ngân hàng trên hệ thống giải băng. Tại Kho bạc Nhà nước TP.Hà Nội xử lý cho bị hại sẽ được hoàn trả tổng tài sản, vật chứng là 110.000.000 VNĐ”.
Để anh Cờ thêm lo lắng, người tên Lê Hoàng Thạch còn nhấn mạnh, nếu anh không thực hiện nhanh, sẽ phát sinh ra những rủi ro nhiều ý muốn.
“Lúc đó, tôi đang làm việc tại công ty, thấy anh Thạch gửi văn bản có ghi Bộ Tài Chính, lại thấy dấu đỏ nên tôi không suy nghĩ gì nhiều mà chuyển 10 triệu đồng vào số tài khoản mà anh Thạch gửi để xác nhận lại. Tuy nhiên, giao dịch đã thành công thì anh Thạch tiếp tục gửi văn bản có ghi thông báo của Công ty Cổ phần đầu tư Tài chính Nam An yêu cầu tôi gửi thêm, 30 triệu đồng để hoàn thành nốt các trình tự xác thức vay vốn. Anh Thạch có khẳng định, đó chỉ là mặt thủ tục, sau đó tôi sẽ được nhận tổng số tiền 100 triệu đồng tôi đã vay cộng thêm 40 triệu tôi đã gửi để xác thực tài khoản”, anh Cờ kể lại.
Dù tiếp tục chuyển tiền thêm nhưng anh Cờ vẫn không tài nào rút được tiền. Trong khi đó các đối tượng vẫn tiếp tục mồi chài anh Cờ chuyển thêm 60 triệu đồng "để khắc phục lỗi". Lúc này, thấy nhiều điểm nghi vấn, anh Cờ đã lên mạng tìm số điện thoại của Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Tài chính Nam An để gọi hỏi nguyên do thì mới té ngửa Công ty này giải thể đã lâu.
“Cảm giác như bị lừa, tôi có tìm số điện thoại Giám đốc công ty Nam An là anh Đỗ Huy Cảnh để hỏi rõ thì anh cho biết tất cả chỉ là trò lừa đảo, Công ty anh đã giải thể và không có còn nhân viên nào. Lúc này, tôi biết đã bị lừa nên đã đến Công an xã Nội Bài, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội (thời điểm tôi vay tiền là đang ở Sóc Sơn) để trình báo các thủ đoạn tinh vi của nhóm đối tượng”, anh Cờ chia sẻ.
Chia sẻ về vụ việc, anh Đỗ Huy Cảnh – Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Tài chính Nam An cho biết: “Do khó khăn về tài chính, kinh doanh không hiệu quả nên công ty đã giải thế. Tuy nhiên, có rất nhiều đối tượng giả mạo công ty để đi lừa đảo những người đang cần vốn, khó khăn và nhẹ dạ cả tin. Một ngày, tôi nhận được hàng chục cuộc gọi nói về việc họ bị nhân viên công ty Nam An lừa tiền. Thực tế, công ty đã giải thể và không có nhân viên”.
Anh Cảnh nói thêm: “Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng con dấu mang tên Công ty Cổ phần đầu tư Tài chính Nam An được scan lại để khiến người vay tiền tin tưởng. Tôi đã trình báo công an về việc Công ty bị mạo danh. Tôi cũng muốn cảnh báo tới người có nhu cầu vay vốn, thận trọng với chiêu trò lừa đảo của tội phạm công nghệ cao”.
Trao đổi thêm với PV, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt cho biết: “Thời gian gần đây, không ít nạn nhân trên cả nước sập bẫy “vay tiền online”. Khi bị lừa đảo vay tiền online cần nói chuyện với gia đình, người thân hoặc bạn bè để họ đưa ra giải pháp tốt nhất cho mình, vì lúc đó tâm lý người bị lừa đang hoảng loạn, lo lắng, bất an lo sợ nên sẽ không suy nghĩ được hướng giải quyết phù hợp với thực trạng được.
Nếu số tiền từ 2 triệu đồng trở lên bị hại có thể đi báo công an, cơ quan có thẩm quyền để họ hướng dẫn các thủ tục, hoàn thành hồ sơ tố giác tội phạm đã lừa đảo bạn. Điều 174, Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định khung hình phạt theo mức từ phạt hành chính đến phạt tù từ 7 -10 năm theo mức độ lừa đảo”.
Nhóm phóng viên