Sập bẫy "việc nhẹ lương cao", nhiều người mất tiền oan “chuộc thân”

Sập bẫy "việc nhẹ lương cao", nhiều người mất tiền oan “chuộc thân”

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 6, 16/09/2022 07:09

Tin vào chiêu trò dụ dỗ "việc nhẹ, lương cao", hàng nghìn lao động bị lừa ra nước ngoài, muốn thoát thân phải nộp tiến chuộc lên tới hàng trăm triệu đồng.

Vợ xuôi ngược vay tiền "chuộc chồng"

Mới đây, phản ánh đến báo chí, chị V.T.T.N., SN 1993, trú tại làng Riêng, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, chị mới nhận được dòng tin nhắn ngắn ngủi, vội vã của người chồng thông báo về việc bị sập bẫy việc nhẹ lương cao lưu lạc bên nước Campuchia.

Chị kể, chồng chị, anh Đ.V.H. (SN 1988) vì hoàn cảnh gia đinh quá khó khăn đã lẳng lặng đi ra tận miền Bắc kiếm việc làm thuê. Tuy nhiên, mấy ngày sau, qua tin nhắn vọn vẹn vài chữ anh thông báo bị kẻ xấu lừa gạt sang một sòng bạc mãi tận Campuchia. Gia đinh tìm mọi cách liên lạc qua số điện thoại anh nhắn tin về nhưng đều không liên lạc được.

Dân sinh - Sập bẫy 'việc nhẹ lương cao', nhiều người mất tiền oan “chuộc thân”

Một số lao động Việt Nam được giải cứu sau khi bị lừa bán sang Campuchia (Nguồn: antt.vn)

Đến ngày 11/7, Công an xã Ia Boòng báo, có người tìm thấy chiếc vali vứt lại tại khu vực sát đường biên giới với Campuchia ở gần Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Trong vali có một số giấy tờ cá nhân, hồ sơ xin việc mang tên anh và một số giấy tờ mang tên chị nên lực lượng chức năng tiến hành xác minh. Mãi đến ngày 24/7, qua mạng xã hội, chồng chị nhắn tin báo, đang làm việc ở một casino do người Trung Quốc quản lý tại Campuchia. Anh cũng xác nhận, vali của mình nhưng bị người dẫn đường bắt bỏ lại.

Chị T.N. nói trong nước mắt: “Những ngày qua, tôi ngược xuôi khắp các chỗ quen biết hy vọng vay được 100 triệu đồng chuộc chồng về nhưng bất lực. Nhà mình nghèo không có khả năng trả nên không ai dám cho vay, hai bên nội, ngoại cũng khó khăn không biết lấy đâu ra số tiền lớn như thế. Giờ không còn cách nào khác ngoài việc chắp tay cầu nguyện trời phật thương tình cho chồng mình được trở về bình an”.

Trường hợp trên không phải hi hữu. Đầu tháng 7 vừa qua, tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Nam phối hợp các đơn vị chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn Lại Thị Loan (38 tuổi) và Nguyễn Mạnh Chiến (33 tuổi) cùng trú tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam có hành vi tổ chức cho sáu người sang Campuchia. Hai bị can này khai nhận do có thời gian làm việc tại Campuchia, cho nên đã về nước và lôi kéo, dụ dỗ được sáu nam, nữ thanh niên ở Hà Nam, Sơn La, đưa sang Campuchia làm việc tại một cơ sở chăm sóc khách hàng chơi game với mức lương 900USD/người/tháng. Mỗi người đi phải nộp cho Loan số tiền khoảng bốn triệu đồng.

Trước đó, tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, lực lượng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh bằng các biện pháp nghiệp vụ đã phát hiện tình trạng một số đối tượng quảng cáo, giới thiệu về việc tuyển lao động sang Campuchia làm việc với mức lương cao tới vài chục triệu đồng/tháng.

Qua thời gian tích cực điều tra, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh phối hợp Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) bắt khẩn cấp đối tượng Trương Công Duy (SN 1992, trú xã Quế Châu, huyện Quế Sơn) về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Đối tượng lừa đảo đã dùng mạng xã hội đăng thông tin tuyển người làm việc tại Campuchia với mức lương 800 USD/tháng. Sau khi đăng bài, có rất nhiều người đồng ý và được đối tượng đưa sang Campuchia. Tổng cộng, Duy đã tổ chức đưa trót lọt bảy người sang Campuchia và nhận được 35 triệu đồng tiền công từ Hiền.

Hiện nay, trên một số trang mạng xã hội vẫn đang tồn tại nhiều bài quảng cáo tuyển người đưa đi làm việc tại Campuchia, Philippines với mức lương cao nhằm đánh vào tâm lý “việc nhẹ, lương cao”, nhanh giàu, nhanh đổi đời của một bộ phận người dân thiếu hiểu biết. 

Cạm bẫy "việc nhẹ lương cao"…

Theo cảnh báo của Bộ Công an, nhiều người bị lừa sang Campuchia bán cho các tổ chức đánh bạc, kinh doanh tiền ảo, bị bóc lột sức lao động, muốn về phải nộp 3.000-30.000 USD.

Cụ thể, tối 4/7, Bộ Công an cho biết nạn nhân chủ yếu 18-35 tuổi, đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm thông qua mạng xã hội. Sau khi qua Campuchia, họ phải làm việc cho các tổ chức lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên mạng, bị cưỡng ép làm việc 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở. Khi bị vắt kiệt sức, nạn nhân lại bị bán sang tổ chức khác.

Người nào muốn được về phải gọi điện cho người thân ở Việt Nam nộp tiền chuộc. Một số trường hợp bỏ trốn bị các ông chủ đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác. Kẻ cầm đầu các ổ nhóm này được xác định là người Trung Quốc, dưới sự giúp sức của người Việt Nam đang sống tại Campuchia.

Các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản của công dân Việt Nam tập trung chủ yếu tại Campuchia ở các khu vực: Bà Vẹt-tỉnh Svaytieng; Banteay Meanchay-tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile-tỉnh Preah Shihanouk, Chrey Thom-tỉnh Kandal và tại thành phố Phnompenh. Đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là các đối tượng người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của các đối tượng người Việt hiện đang hoạt động tại Campuchia. 

Sáu tháng đầu năm, Công an Việt Nam phối hợp với nhà chức Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa đi lao động trái phép. Hiện, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các tổ chức đánh bạc trực tuyến, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Cục phó Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho biết, thời gian qua nhận nhiều phản ánh về việc lao động bị lừa đảo sang Campuchia với chiêu trò "việc nhẹ lương cao". Đây đều là lao động không phải đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được cấp phép trong nước mà đi đường bộ qua khu vực biên giới.

Theo ông Liêm, Việt Nam và Campuchia có thỏa thuận hợp tác về lao động, đảm bảo pháp lý cho lao động vùng biên và người đang làm việc ở lãnh thổ từng nước. Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ngoài nước đã lợi dụng mạng xã hội, lập trang web, thông tin sai sự thật để lừa đảo lao động đi.

Ông Liêm khuyến nghị người lao động cần chủ động tìm hiểu thông tin, điều kiện quy định về tuyển dụng lao động đi Campuchia hoặc liên hệ với cơ quan quản lý lao động địa phương nơi cư trú để tìm hiểu thêm.

Theo Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội. Trước khi nhận lời cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó như thế nào, nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho người thân về địa điểm, công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.

M.Vy (Tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.