Những cuộc “đổ bộ” rầm rộ
Nhìn lại lịch sử phát triển của điện ảnh Việt trong một thập kỷ gần đây, có thể thấy, sự "đổ bộ" mạnh mẽ của các đạo diễn Việt kiều vào thị trường phim trong nước đã góp phần làm phong phú và đa sắc hơn cho bức tranh điện ảnh nước nhà. Nếu như trước kia, khán giả trong nước vẫn còn cảm thấy xa lạ và dè chừng với những "đứa con tinh thần" của các đạo diễn hải ngoại thì giờ đây, những bộ phim được "ra lò" từ bàn tay của họ đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt, thậm chí còn rất háo hức chờ mong.
Nói đến các đạo diễn Việt kiều, công chúng yêu điện ảnh đã quen thuộc với một loạt những cái tên như: Trần Anh Hùng, Tony Bùi, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn, Victor Vũ... và những bộ phim "kinh điển" gắn với tên tuổi của họ. Trong đó, nếu như những thế hệ đạo diễn Việt kiều đầu tiên nghiêng về những dòng phim nghệ thuật như Áo lụa Hà Đông; Huyền thoại bất tử của Lưu Huỳnh hay Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh... thì thế hệ đạo diễn Việt kiều thứ hai lại đi theo dòng phim giải trí, mang nặng tính thương mại.
Có thể kể ra một danh sách dài những bộ phim thuộc dòng phim này như: Giao lộ định mệnh; Cô dâu đại chiến; Scandal - Bí mật thảm đỏ của Victor Vũ; Dòng máu anh hùng; Để mai tính của Charlie Nguyễn hay Chạm vào quá khứ; Mù màu của Ethan Trần... Nhất là trong vài năm trở lại đây, đã có những cái tên lấn át hẳn trên thị trường phim Việt như Victor Vũ và Charlie Nguyễn - hai đạo diễn Việt kiều được coi là đắt show và có giá nhất hiện nay.
Bộ phim Scandal - Bí mật thảm đỏ của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ dù nhận được nhiều giải thưởng vẫn bị chê là thảm họa.
Dễ thấy điểm chung của những đạo diễn hải ngoại này là họ có tư duy làm phim mới mẻ, hiện đại, được sự hỗ trợ của một ê kíp làm phim chuyên nghiệp. Thêm vào đó, họ đều là những gương mặt nhiệt huyết với nghề, không ngại khó khi mạo hiểm dấn thân chinh phục một thị trường phim còn "gập ghềnh" như ở Việt Nam.
Điều đáng mừng là không những được công chúng yêu điện ảnh đón nhận, những bộ phim này còn vinh dự đoạt được rất nhiều những giải thưởng cao trong giới như: Mùi đu đủ xanh (của Trần Anh Hùng) là phim duy nhất cho đến nay của điện ảnh Việt lọt vào vòng đề cử 5 phim cuối cùng cho giải Oscar phim nước ngoài hay nhất; Xích lô (của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng) đã đoạt giải Sư tử Vàng tại LHP Venice hay Mùa len trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh) đoạt giải đặc biệt LHP Locarno (Thụy Sĩ) và giải thưởng lớn của LHP Amiens (Pháp)...
Nói về điều này, NSND Như Quỳnh nhận xét rằng, nếu như "bệnh" của khá nhiều đạo diễn Việt Nam là thường thích áp đặt cái tôi của mình vào quá trình làm phim thì các đạo diễn nước ngoài hay Việt kiều lại ngược lại, họ thường chọn cách ngồi lại, cùng bàn bạc để tìm ra giải pháp hợp lý khiến diễn viên cảm thấy thoải mái nhất.
Còn nhà biên kịch Đình Kính thì phân tích rằng: "Thế mạnh của các đạo diễn Việt kiều là họ có kỹ thuật, có nhiều tiền nên họ dám đầu tư và dám làm những đề tài, những dự án mà các nhà làm phim trong nước không làm được và cũng không dám làm. Một điều đáng hoan nghênh nữa là trong những bộ phim do họ đạo diễn, họ đã giới thiệu và khai thác được những nét văn hóa rất đặc trưng của Việt Nam như Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, góp phần làm cho làng phim Việt đa dạng và nhiều chiều hơn".
Song, nhiều bộ phim bị chê "tơi tả" vì đi sâu vào những chi tiết vụn vặt, thiếu thực tế, có sự kết hợp thiếu hài hòa giữa các yếu tố văn hóa Đông - Tây, và quan trọng nhất là phim không có dấu ấn Việt Nam. Như chia sẻ của nhà biên kịch Đình Kính: "Chính vì ban đầu không đặt nặng vấn đề vốn mà chỉ quan tâm làm sao làm được phim hay nên họ đã cho ra đời những bộ phim được đánh giá khá cao, thế nhưng đáng tiếc là dần dần họ bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường nên những bộ phim mang nặng tính giải trí rất "nhạt" lại "tiếm ngôi" và trở thành dòng chủ đạo".
"Chết yểu" vì không hợp văn hóa
Điều này mang đến một sự lo ngại là, số lượng tham gia đông đảo của các đạo diễn Việt kiều cùng với quan niệm làm phim mới và độc của họ sẽ làm cho nền điện ảnh Việt xuất hiện ngày càng nhiều những bộ phim "lai căng", thiếu đi bản sắc, văn hóa dân tộc và làm nhiễu nhương hơn thị trường phim Việt vốn đã khắt khe và ít cởi mở. Và thực tế là: "Dù họ mang đến một luồng gió mới nhưng mới chưa chắc đã hay và dù cho phim có "cháy vé" thì cũng không đồng nghĩa với việc tác phẩm được đánh giá cao", nhà biên kịch Đình Kính phân tích.
Thực tế là đã từng có những bộ phim của đạo diễn Việt kiều bị "ném đá" không thương tiếc vì cách làm phim vụng về, đưa nhiều chi tiết cảm nhận chủ quan với góc nhìn lệch lạc và không phù hợp với văn hóa Việt lên phim. Tiêu biểu như bộ phim Cảm hứng hoàn hảo về giới đồng tính Sài Gòn của đạo diễn Nguyễn Lê Dũng đã hứng trọn búa rìu dư luận vì cách thể hiện phản cảm đối với văn hóa Việt hay Sài Gòn nhật thực của đạo diễn Othello Khanh và 14 ngày phép của đạo diễn Vũ Trọng Khoa, cũng bị phê phán không thương tiếc. Thảm hại nhất có lẽ phải kể đến Bẫy cấp 3 của đạo diễn Lê Văn Kiệt đã bị cấm chiếu vì bị cơ quan kiểm duyệt đánh giá là phim thiếu logic, chất lượng kém và không hề có tính giáo dục.
Dẫu biết, mong muốn các đạo diễn Việt kiều mang được chất thuần Việt vào trong phim là một cái khó vì họ chịu ảnh hưởng từ cách đào tạo và môi trường làm phim nước ngoài, thế nhưng nếu phim của họ không mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc thì sẽ rất dễ bị đào thải và quên lãng theo thời gian.
Và... phim Việt lai căng
Dẫn chứng như bộ phim Âm mưu giày gót nhọn (đạo diễn Hàm Trần) chỉ trong bốn ngày đầu công chiếu đã thu hút hơn 115.000 lượt khán giả và thu về hơn 7,5 tỷ đồng, nhưng vẫn bị giới làm phim đánh giá là phim Mỹ "trá hình", hay bộ phim Scandal - Bí mật thảm đỏ của đạo diễn Victor Vũ dù giành được rất nhiều giải thưởng lớn trong liên hoan phim Việt Nam vừa qua nhưng vẫn bị nhiều chuyên gia chê là phim thảm họa và cực kỳ "khó nuốt".
Điều đó cho thấy, đạo diễn hải ngoại trở về Việt Nam làm phim cũng giống như bước chân vào một cuộc phiêu lưu đầy rủi ro và khó có thể nắm chắc được phần thắng. Như câu chuyện của đạo diễn trẻ Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn từng về Việt Nam ấp ủ dự án phim 1735km nhưng kết quả là bộ phim đã bị dư luận công kích đến mức nhà sản xuất phải "sập tiệm" hay những đạo diễn Việt kiều chỉ xuất hiện một lần rồi mất hút như Ringo Lê với Chuyện tình Sài Gòn và Hoàng Thiên Trụ với Em hiền như ma-sơ. Thất bại này không chỉ khiến các đạo diễn này "trắng tay" mà còn mất hẳn tên tuổi trong nền điện ảnh nước nhà.
Theo ý kiến của một đạo diễn nổi tiếng (xin được giấu tên), nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ sự lên ngôi của dòng phim giải trí và sự định hướng các cơ quan quản lý điện ảnh ở ta. "Ở Cục, hay ở hội Điện ảnh, các anh trao giải kiểu gì thì sẽ định hướng và khuyến khích cho dòng phim ấy phát triển. Do đó, việc hàng năm giới điện ảnh tôn vinh tác phẩm nào sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của điện ảnh trong nước.
Thêm vào đó, có một thực tế đáng buồn là các nhà phê bình điện ảnh ở ta rất yếu và không có bản lĩnh, họ cứ tung hê bộ phim này, bộ phim kia một cách lung tung và không có quan điểm rõ ràng. Dù mỗi tác phẩm điện ảnh sẽ nhận được những ý kiến đánh giá khác nhau vì không có một mẫu số chung nào cho tất cả, nhưng lực lượng phê bình mỏng, không nghiêm túc, không chuẩn xác cũng góp phần không nhỏ vào sự đi xuống của chất lượng phim Việt nói chung.
"Có thể, nhiều khán giả rất thích các bộ phim giải trí của các đạo diễn Việt kiều nhưng cá nhân tôi thì không hề thích một chút nào, kể cả bộ phim Mùa len trâu đã nhận được nhiều lời ca ngợi. Có thể vì "gu" của tôi cổ quá chăng nên không chấp nhận được sự mới quá của họ? Công bằng mà nói, không thể phủ nhận, họ đã đưa một cái nhìn rất mới mẻ, rất độc đáo vào phim nhưng tôi cứ thấy nó "sến sến" và không hợp "khẩu vị". Tôi nghĩ rằng, đây cũng là cảm nhận của nhiều đạo diễn trong nước", vị đạo diễn giấu tên bày tỏ. |
Loan Thanh