Nghị định này được xây dựng nhằm quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật số 52/2019/QH14, bảo đảm tiến độ, chất lượng, có hiệu lực thi hành cùng với hiệu lực thi hành của Luật (1/7/2020); bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về công tác cán bộ; thu gọn đầu mối các văn bản quy định trong lĩnh vực cán bộ, công chức, bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện; giảm thiểu quy định chứng chỉ, tin học trong điều kiện tuyển dụng, nâng ngạch công chức...
2 trường hợp xét nâng ngạch công chức
Ngạch là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức (khoản d Điều 7 Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12).
Theo đó, việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi nâng ngạch (khoản 1 Điều 44 Luật Cán bộ, công chức 2008).
Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2020, Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức số 52/2019/QH14 có hiệu lực thì việc nâng ngạch công chức còn được thực hiện qua xét nâng ngạch.
Cụ thể, khoản 5 Điều 32 dự thảo Nghị định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức quy định:
Công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được xét nâng ngạch trong các trường hợp sau: Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận; Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.
Trong đó, thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ là:
- Được khen thưởng từ Huân chương Lao động hạng Ba trở lên hoặc danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc (đối với xét nâng ngạch từ ngạch chuyên viên lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên);
- Đạt danh hiệu từ Chiến đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương trở lên (đối với xét nâng ngạch từ ngạch nhân viên lên cán sự hoặc tương đương; từ ngạch cán sự lên chuyên viên hoặc tương đương).
Như vậy, dự thảo Nghị định mới đã cụ thể hóa quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008 sửa đổi, bổ sung 2019.
Ngoài ra, căn cứ hồ sơ đăng ký dự xét nâng ngạch, Ban xét nâng ngạch công chức kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện của công chức dự xét nâng ngạch, báo cáo kết quả lên Hội đồbg nâng ngạch chậm nhất 2 ngày làm việc khi kết thúc việc kiểm tra tiêu chuẩn, điều kiện xét nâng ngạch.
Chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày công bố kết quả xét ngạch, Hội đồng nâng ngạch tiếp tục thực hiện việc tổ chức thi nâng ngạch công chức trong trường hợp còn chỉ tiêu nâng ngạch công chức.
Tức là, sẽ thực hiện rà soát để xét nâng ngạch công chức trước, sau đó, nếu vẫn còn chỉ tiêu nâng ngạch công chức thì mới tổ chức thi nâng ngạch.
Quy định về sử dụng công chức
Về nội dung này, dự thảo Nghị định đã đề xuất những quy định về bố trí, phân công công tác và chuyển ngạch công chức; nâng ngạch công chức; điều động, biệt phái công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý; từ chức, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý.
So với quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì dự thảo Nghị định có một số nội dung mới. Đó là, giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và cung cấp phần mềm thông thi, ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án cho các kỳ thi nâng ngạch công chức.
Dự thảo Nghị định cũng đã bổ sung nội dung quy định thực hiện rà soát để xét nâng ngạch trước, sau đó mới tổ chức thi nâng ngạch, bảo đảm tính thống nhất khi thực hiện.
Đối với quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi cũng được nghiên cứu để thay đổi về điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, Bộ Nội vụ cho biết nội dung này được nghiên cứu để bảo đảm tính thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 100/2019/QH14 của Quốc hội (tương tự như đối với tuyển dụng công chức).
Mặt khác, các nội dung liên quan đến quy định về điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác, từ chức, miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được rà soát, bảo đảm thống nhất giữa quy định của Đảng và của pháp luật trong công tác cán bộ.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định đã đề xuất các quy định về nội dung quản lý công chức; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan sử dụng công chức; chế dodọ báo cáo về công tác quản lý công chức.
Hoàng Mai