Nhân chứng Dương Chí Dũng (đứng) đã khai nhiều nội dung gây chú ý tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng. Ảnh: Thế Kha
Lập tổ liên ngành là đúng Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương, cho rằng việc thành lập tổ công tác liên ngành hỗn hợp điều tra lời khai của Dương Chí Dũng là cần thiết vì việc này không chỉ liên quan đến lãnh đạo ngành Công an mà là cả hệ thống chính trị. Không chỉ là vấn đề uy tín của ngành Công an mà cả uy tín của Đảng và nhà nước. Do vậy cần đảm bảo chính xác, khách quan để nếu lời khai của Dương Chí Dũng đúng sự thật thì phải xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Nếu lời khai không chính xác thì càng cần phải điều tra, làm rõ và công khai để người dân hiểu. |
Phá vỡ vùng cấm Để biến quyết tâm chống tham nhũng thành hiện thực, trước hết phải động viên sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc phòng chống tham nhũng. Phải làm sao để phòng chống tham nhũng trở thành một trào lưu xã hội, một sức mạnh đối lập với các thế lực tham nhũng thì mới có điều kiện đẩy lùi, xô ngã hoặc vô hiệu hóa các thế lực này. Từ nhiều năm, cam kết phòng chống tham nhũng được liên tục được đưa ra trong những thông điệp chính thức nhân danh chính quyền nhưng rồi quốc nạn này vẫn hoành hành khiến lòng tin của người dân giảm sút. Để người dân hăng hái, tích cực tham gia phòng chống tham nhũng thì việc chỉ rõ lợi ích mà hoạt động phòng chống tham nhũng mang lại cho dân là chưa đủ. Cần phải làm cho dân tin tưởng vào quyết tâm phòng chống tham nhũng của nhà chức trách, từ đó tự nguyện vào vai người tiếp sức, hỗ trợ. Đây thậm chí là điều kiện quan trọng nhất. Những vụ tham nhũng lớn bị phanh phui trong thời gian gần đây cho thấy các nỗ lực phòng chống tham nhũng đã mang lại hiệu quả nhất định. Tham nhũng luôn diễn ra ở những góc khuất, kín đáo; việc phát hiện không đơn giản. Đặc biệt, tham nhũng ở những vị trí cao thường có giá lớn, được thực hiện rất tinh vi và được che chắn, bảo hộ chặt chẽ bằng thế lực, tránh sự phát hiện. Việc một số quan chức cấp cao, đại gia phải ra đứng trước vành móng ngựa để nghe cáo buộc các tội danh tham nhũng cho phép chúng ta ghi nhận thành quả đáng khích lệ của công tác bảo đảm thực thi pháp luật trong khu vực công quyền - một công tác đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có những vụ xử lý tham nhũng mang tính răn đe cao. Vụ Vinalines và những lời khai chấn động của nhân chứng Dương Chí Dũng tại phiên xử Dương Tự Trọng đã phát đi dấu hiệu đáng chú ý. Ít nhất điều đó cũng cho thấy khả năng tấn công tham nhũng ở những vị trí cao. Điều này đúng là không dễ chút nào. Ai cũng hiểu rằng một mặt, chức quyền càng cao thì tham nhũng dựa vào quyền chức càng có giá trị lớn. Mặt khác, những quan tham nắm nhiều quyền lực trong tay luôn có điều kiện trấn áp bằng sức mạnh của công quyền đối với những nỗ lực bóc trần trước công luận hành vi phạm pháp của mình. Bởi vậy mới có khái niệm “vùng cấm” trong phòng chống tham nhũng. Gọi là “cấm” không phải vì luật pháp không cho phép động tới vùng đó, đúng hơn là động tới những con người trong vùng đó, mà trước hết do khả năng tự bảo hộ, tự đề kháng của nó trước sự công kích từ bên ngoài. Sự tồn tại và phát triển của vùng cấm tỉ lệ nghịch với sự hoàn thiện nhà nước pháp quyền và xã hội thượng tôn pháp luật. Luật pháp càng được thực thi nghiêm chỉnh thì vùng cấm càng bị thu hẹp và giảm sút uy lực; ngược lại, luật pháp bị coi thường, đặc biệt là bởi quan chức, thì vùng cấm có điều kiện bành trướng và trở nên kiên cố. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy hiệu quả của công cuộc cải cách tư pháp. Cần tiếp tục lộ trình cải cách. Việc xét xử nghiêm minh một vụ án tham nhũng ở cấp cao chắc chắn sẽ có tính răn đe cao. Hình phạt nghiêm khắc dành cho bị cáo là lời cảnh báo đối với những người nắm quyền lực. Một khi nhận thấy nguy cơ đứng trước vành móng ngựa, quan chức sẽ tự cố gằng kềm chế bản thân trước cám dỗ. Nhờ đó, tham nhũng bị đẩy lùi. PGS-TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN (An Quý ghi) |