Cùng với mưa sao băng Perseids, mưa sao băng Geminids (mưa sao băng Song Tử) là một trong hai trận mưa sao băng đẹp nhất năm. Ở thời điểm cực đại có thể quan sát được 100-120 vệt sao băng mỗi giờ.
Có nguồn gốc từ tiểu hành tinh 3200 Phaethon va chạm với khí quyển của trái đất, mưa sao băng Geminids diễn ra từ 7-17/12 hàng năm, đạt cực đại vào đêm 13, rạng sáng ngày 14/12.
Năm nay, thời điểm mưa sao băng Geminids đạt cực đại trùng với thời kỳ đầu tháng âm lịch. Vì vậy, việc quan sát mưa sao băng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi mặt trăng.
Thời điểm quan sát lý tưởng nhất là sau 00 giờ, nên chọn nơi quang đãng, ít ánh sáng đèn và ô nhiễm không khí.
Người quan sát có thể hướng về phía chòm sao Song Tử, trung tâm của trận mưa sao băng này. Tuy nhiên, các sao băng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời. Lưu ý, nên xem dự báo thời tiết nếu có ý định quan sát.
Ngoài mưa sao băng Geminids, theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), trong tháng 12 này còn có một số sự kiện thiên văn nổi bật khác như:
Ngày 13/12 – Trăng mới
Mặt trăng sẽ nằm ở cùng phía Trái đất so với Mặt trời và sẽ không thể quan sát thấy trên bầu trời đêm. Giai đoạn này xảy ra lúc 06:33 (giờ Việt Nam). Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các vật thể mờ nhạt như các thiên hà và các cụm sao, chúng sẽ không bị ảnh hưởng bởi ánh trăng.
Ngày 22/12 – Đông Chí
Đông chí xảy ra lúc 10:21. Cực Nam của trái đất sẽ nghiêng về phía Mặt trời và Mặt trời sẽ đạt đến vị trí cực nam trên bầu trời, nằm ngay trên chí tuyến 23,44 độ vĩ nam. Đây là ngày đầu tiên của mùa đông (đông chí) ở Bắc bán cầu và ngày đầu tiên của mùa hè (Hạ chí) ở Nam bán cầu.
Ngày 21, 22/12 – Mưa sao băng Ursids
Ursids là một trận mưa sao băng nhỏ tạo ra khoảng 5-10 sao mỗi giờ. Nó được tạo ra bởi các hạt bụi do sao chổi Tuttle để lại, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1790. Trận mưa diễn ra hàng năm từ ngày 17 đến 25/12. Cực đại năm nay vào đêm ngày 21, rạng sáng ngày 22. Năm nay, mặt trăng gần tròn sẽ làm lu mờ hầu hết các sao băng mờ và trung bình. Người xem quan sát tốt nhất sẽ là ngay sau nửa đêm từ một địa điểm tối, xa ánh đèn thành phố. Các sao băng sẽ tỏa ra từ chòm sao Ursa Minor (Gấu Nhỏ), nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.
Ngày 27/12 – Trăng tròn
Mặt trăng sẽ nằm ở phía đối diện Trái đất so với Mặt trời và mặt của nó sẽ được chiếu sáng đầy đủ. Giai đoạn này xảy ra lúc 07:34 UTC. Lần trăng tròn này được các bộ lạc thổ dân da đỏ đầu tiên gọi là Trăng Lạnh vì đây là thời điểm trong năm khi không khí lạnh giá của mùa đông tràn về và đêm trở nên dài và tối. Mặt trăng này còn được gọi là Mặt trăng đêm dài và Mặt trăng trước lễ Yule.
Minh Hoa (t/h)