Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây phát đi thông báo về việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3). Theo đó, EVN sẽ chào bán cho nhà đầu tư chiến lược hơn 749 triệu cổ phần của Genco 3 (tương đương 36% vốn điều lệ).
Cũng theo thông báo, về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, đơn vị tham gia phải có năng lực tài chính và kết quả kinh doanh 3 năm gần nhất có lãi, không có lỗ lũy kế; cam kết duy trì, phát triển ngành kinh doanh điện cũng như thương hiệu của đơn vị ít nhất 3 năm; không chuyển nhượng cổ phần được mua trong thời hạn 5 năm...
Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - tổng công ty Phát điện 3 (trực thuộc EVN). Hình thức cổ phần hóa là giữ nguyên vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ.
Theo tìm hiểu của PV, vốn điều lệ của Tổng công ty Phát điện 3 – Công ty cổ phần (Genco 3) được xác định là 20.809 tỷ đồng. Trong đó, cổ phần EVN nắm giữ là 1.061.300.000 cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ. Theo kế hoạch, EVN sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ tại Genco 3 đến hết năm 2019. Từ năm 2020, nếu EVN và Genco 3 tái cấu trúc được các khoản nợ và đàm phán được với các tổ chức tín dụng cho vay, EVN sẽ xem xét thoái vốn góp tại Genco 3 xuống dưới mức chi phối.
EVN sẽ bán đấu giá công khai 267 triệu cổ phần (tương đương 12,8% vốn điều lệ của Genco 3) tại sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM trong vòng 3 tháng. Với giá khởi điểm được xác định là 24.600 đồng/cổ phần, quy mô đợt IPO của đại gia ngành điện là 6.569 tỷ đồng.
Genco 3 là đơn vị phát điện lớn nhất cả nước với công suất lắp đặt năm 2016 đạt 6.304 MW, tương đương 16% tổng công suất phát điện toàn hệ thống. Được biết, Genco 3 cũng là doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả nhất trong số 3 Genco. Hiện Genco 3 đang có 7 đơn vị hạch toán phụ thuộc, 2 công ty con do Genco 3 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và 6 công ty liên kết do Genco 3 nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Năm 2015, Genco 3 ghi nhận tổng doanh thu đạt hơn 25.700 tỷ đồng, tăng khoảng 1.200 tỷ đồng so với năm trước đó. Sang năm 2016, con số này tăng mạnh hơn 30% lên mức 33.812 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu của Genco 3 đạt hơn 27.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của Genco 3 lại không được như mong đợi khi từ năm 2014 đến năm 2016, lợi nhuận sau thuế mỗi năm không vượt được mốc 200 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2017, tình hình đã khả quan hơn khi doanh nghiệp ghi nhận 321 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Điều khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi băn khoăn là về cơ cấu nguồn vốn của Genco 3. Tính đến hết ngày 30/9/2017, tổng tài sản Genco 3 đạt gần 83.000 tỷ đồng nhưng phần lớn trong số này được hình thành từ nợ vay, đặc biệt là nợ vay dài hạn. Xét về tổng nợ vay, năm 2017, tổng nợ vay của Genco 3 chiếm tới 80% cơ cấu nguồn vốn. Các năm trước đó, con số này luôn được duy trì ở mức cao, quanh ngưỡng 80%.
Việc Genco 3 đang thực hiện 3 dự án điện với tổng mức đầu tư lên tới 90.000 tỷ đồng được cho là nguyên nhân lớn khiến nợ vay của doanh nghiệp ở mức ngất ngưởng như vậy. Gánh nặng nợ vay chính là một trong những bất lợi của Genco 3 khi doanh nghiệp này vừa phải chịu phần chi phí lãi vay cao, vừa chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động tỷ giá, lãi suất.
Khi chủ yếu các khoản vay là từ nước ngoài và việc nhận nợ, trả nợ được thực hiện bằng ngoại tệ, chỉ một sự thay đổi nhỏ trong tỷ giá cũng có thể tác động lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhiên liệu hóa thạch chiếm 89% nguồn nguyên liệu đầu vào tại các nhà máy của Genco 3. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà khi mô hình nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã không còn là xu hướng đầu tư của các nước phát triển.
Tuy nhiên, trước khi thị trường bán buôn, bán lẻ điện bước vào hồi cạnh tranh gay gắt, Genco 3 vẫn có thể được coi là cơ hội cho các nhà đầu tư muốn thâm nhập vào ngành điện.