Ám ảnh nợ nần
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà (SDC).
SDC sau cổ phần hóa dự kiến có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, trong đó nhà nước giữ 51% vốn cho đến năm 2020 sẽ bán tiếp xuống dưới 50% để đảm bảo tuân thủ Quyết định 58/2016. SDC là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trực thuộc Bộ Xây dựng, và cũng là “con cưng” đặc biệt của cơ quan này.
Sau hơn nửa thế kỷ phát triển, với những ưu đãi nhất định từ đơn vị chủ quản, SDC nhanh chóng trở thành “đế chế” trong ngành xây lắp, xây dựng, đặc biệt trong lĩnh vực thủy điện.
Tuy nhiên tình hình kinh doanh của SDC đang có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây.
Báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy doanh thu của SDC trong năm 2016 chỉ đạt 9.970 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2015 (17.171 tỷ đồng). Tổng tài sản cũng “co hẹp” từ 35.126 tỷ đồng về còn 31.901 tỷ đồng. Nếu so với năm 2014, thì tổng tài sản của SDC hiện chỉ còn khoảng 70% (Cuối năm 2014 là 45.713 tỷ đồng).
Theo lý giải của SDC, hầu hết các công trình thủy điện lớn trong nước đã kết thúc, trong khi các phân khúc xây lắp khác gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ trong và ngoài nước, bởi vậy kết quả kinh doanh của Tổng công ty bắt đầu bị ảnh hưởng tiêu cực.
Mặc dù vậy, không phải tới bây giờ khi sắp sửa IPO, sức khỏe của SDC mới được đặt lên bàn cân, mà gánh nặng nợ nần đối với tổng công ty này đã được cảnh bảo từ lâu. Đối với một doanh nghiệp xây dựng, vay nợ nhiều là khó tránh khỏi, song tới mức “vốn 1, đi vay 10” như của SDC thì quả thật đáng quan ngại.
Kết thúc năm tài chính 2016, nợ phải trả của SDC ở mức 24.072 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 12.951 tỷ đồng, suýt soát tài sản ngắn hạn (13.079 tỷ đồng), cho thấy sự bất cân xứng trong cơ cấu tài sản – nguồn vốn của SDC. Vay, nợ ngân hàng ngắn và dài hạn tại ngày 31/12/2016 là 17.704 tỷ đồng, gấp 9,5 lần vốn điều lệ (1.869 tỷ đồng).
SDC cho hay áp lực trả nợ đến hạn đối với một số công ty thành viên do Tổng công ty này bảo lãnh hoặc là chủ thể hợp đồng là rất lớn. Năm 2016, SDC và các công ty con phải trả tới 1.319 tỷ đồng tiền lãi, gần gấp đôi chi phí quản lý toàn hệ thống (727 tỷ đồng) và góp phần nhiều bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.
Phải nhìn nhận công bằng rằng vay nợ nhiều là việc không thể tránh khỏi đối với ban lãnh đạo SDC, bởi với vốn điều lệ vỏn vẹn 1.800-1.900 tỷ đồng (ngang với một tập đoàn xây dựng tư nhân tầm trung), thì SDC phải đi vay mới có tiền để tạo ra lợi nhuận, mà như doanh nghiệp này đã khẳng định: “Tiềm lực tài chính của Tổng công ty còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển”.
Không dễ tìm người mua
Việc cơ quan chủ quản là Bộ Xây dựng suốt nhiều năm không chịu “buông” phần nào hạn chế sự phát triển của SDC. Bởi trong bối cảnh ngân sách không còn dư địa cho các doanh nghiệp nhà nước tăng vốn, vốn điều lệ của SDC không những không được tăng lên, mà còn liên tục bị điều chỉnh giảm, giảm từ 2.563 tỷ đồng xuống 1.918 tỷ đồng năm 2015 rồi giảm tiếp xuống 1.869 tỷ đồng năm vừa qua. Điều này ảnh hưởng lớn tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bộ Xây dựng thoái vốn khỏi SDC là bước đi bắt buộc, mặc dù ảnh hưởng tới lợi ích của cơ quan chủ quản, song đối với SDC, đây là diễn biến tích cực, giúp tổng công ty này tìm được những dòng vốn lớn từ bên ngoài để tiến hành tái cấu trúc toàn diện, rũ bỏ “lớp áo” bao cấp đã kìm hãm suốt nhiều thập kỷ.
Mặc dù vậy, việc Bộ Xây dựng vẫn kiên quyết giữ lại tỷ lệ chi phối sau cổ phần hóa (51%) chắc chắn sẽ khiến IPO của SDC diễn ra khó khăn hơn, và số tiền mà ngân sách thu về không cao như phương án thoái xuống dưới 50% hay bán toàn bộ vốn nhà nước như đề xuất của Bộ Tài chính hay Bộ Kế hoạch & Đầu tư; bởi như rất nhiều các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước khác, nguồn vốn tư nhân thường ưa thích chảy vào những đơn vị họ có khả năng kiểm soát, đồng nghĩa với tối đa hóa hiệu quả từng đồng bỏ ra.
Bên cạnh đó, khoản nợ phải trả rất lớn, trong đó chiếm phần nhiều là nợ ngân hàng cũng sẽ khiến các cổ đông tương lai của SDC phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, nhất là trong bối cảnh dư địa phát triển thủy điện (mảng hoạt động lớn nhất của SDC) đang dần co hẹp, còn ở các mảng xây dựng khác không kể thủy điện, ví dụ như bất động sản, thì SDC không được đánh giá cao, và đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ tư nhân sừng sỏ.
Tiền tỷ trả lương lãnh đạo Theo Báo cáo quản trị năm 2016, Tổng công ty Sông Đà dành gần 7 tỷ đồng để trả thù lao cho 14 cán bộ quản lý doanh nghiệp. Trong đó, ông Lê Văn Tốn, thành viên Hội đồng quản trị đạt 641 triệu đồng, bình quân 70,8 triệu đồng/tháng. Ông Dương Khánh Toàn, Chủ tịch Hội đồng thành viên có thu nhập 569 triệu đồng/năm, bình quân 47,5 triệu đồng/tháng. Ông Hồ Văn Dũng, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc có thu nhập 520 triệu đồng/năm, bình quân 43,4 triệu đồng/tháng. Các thành viên Hội đồng quản trị khác là Nguyễn Doãn Hành, Nguyễn Kim Tới có thu nhập lần lượt ở mức 432 triệu đồng/năm và 447 triệu đồng/năm. |
Thủy Tiên – Nghi Điền