Trao đổi với PV Người đưa tin, TS Nguyễn Đức Thành nhận định, trong câu chuyện sáp nhập, đối với người tiêu dùng, bước đầu có thể gặp lợi do khi hòa làm một, hai nhà mạng có điều kiện giảm giá cước tuy nhiên đó là ngắn hạn. Trên thực tế, là doanh nghiệp, họ phải tính toán chuyện lợi nhuận lên hàng đầu. Về lâu dài, cấu trúc thị trường thay đổi, dẫn đến giá có thể bị thao túng.
Người tiêu dùng liệu có được hưởng lợi lâu dài từ việc sáp nhập. Ảnh minh họa
TS Thành lấy ví dụ về trường hợp cách đây gần chục năm, khi đó mạng VinaPhone, MobiFone làm "bá chủ" thị trường, giá cực cao, dịch vụ vô cùng nghèo nàn. Có được chiếc điện thoại, khách hàng phải đi "lạy lục" bưu điện mới được đăng ký thuê bao và chẳng bao giờ họ quan tâm đến ý kiến phàn nàn của mình. Tuy nhiên khi xuất hiện "kẻ thứ 3" là Viettel giá lập tức được giảm dần, kèm nhiều dịch vụ hậu mãi. Giờ thì đến ngày sinh nhật, nhà mạng còn tặng quà, hoa rất lịch sự, thậm chí tôn vinh "khách hàng vàng", "khách hàng tiềm năng"… "Tôi e rằng, kịch bản về thời độc quyền rất khiếp đảm có thể quay lại nếu như việc tập trung kinh tế được thực hiện", TS Thành nhận định.
Còn theo TS Nguyễn Minh Phong, nếu hai "đại gia" này "tác hợp", mà đảm bảo vẫn hoạt động tốt, giữ giá cạnh tranh thì cũng có thể tạm chấp nhận được. Tuy nhiên, với tình cảnh hiện tại, điều đó có vẻ khó thực hiện. Bởi khi đó, chỉ có hai nhà mạng viễn thông thì việc cạnh tranh sẽ không nhiều và chắc chắn người dân sẽ không được phục vụ một cách tốt nhất. "Tôi được biết, hiện nay các công ty viễn thông nước ngoài không dám đầu tư vào Việt Nam sau bài học của Beeline. Điều này cũng không tốt đối với một thị trường đang hướng đến sự cạnh tranh", TS Phong nhấn mạnh.
TS Nguyễn Ngọc Sơn, giảng viên Trường ĐH Kinh tế-Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: "Ở lĩnh vực viễn thông, không phải cứ đa dạng hóa các doanh nghiệp là tốt. Anh nắm một thị phần lớn chưa chắc đã khống chế được thị trường. Nếu chúng ta có một hệ thống kiểm soát hợp lý thì vẫn đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu có sự sáp nhập giữa VNPT và Viettel thì đó mới đáng lo ngại vì họ đang là đối thủ của nhau.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Huy An (Văn phòng luật sư Huy An và cộng sự, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Hiện nay, Việt Nam "mang tiếng" là nhiều nhà mạng nhưng thực ra chỉ riêng Viettel, VinaPhone, MobiFone nắm giữa 95% thị trường. Chính vì thế, các "thượng đế" hầu như chỉ có quyền lựa chọn một trong ba mạng trên. Nếu trong thời gian tới, hai "đại gia" trên được "khắc nhập" thì sự lựa chọn sử dụng mạng di động của người tiêu dùng sẽ bị rút ngắn lại. "Theo tôi, nếu đề án trên được đồng ý thì thời gian đầu, người dân sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, các gói khuyến mại "khủng". Tuy nhiên, chúng ta nên đặt câu hỏi chất lượng của nhà mạng này về lâu dài". Lúc ấy, khi đã nắm được thị phần lớn, liệu họ có tăng giá, có nghẽn mạng, chất lượng phục vụ có đi lên hay ngày một thụt lùi", luật sư Huy An chia sẻ.
Anh - Văn