Theo đó, buổi đối thoại được diễn ra tại hội trường xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Tại buổi đối thoại, nhiều người dân xã Quảng Phúc đã đưa ra các ý kiến về việc sáp nhập trường sẽ gây khó khăn trong việc đi lại của con em họ, khi di chuyển từ Quảng Phúc đến học tại trường THCS Quảng Vọng; ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bà con khi các cháu đi học sẽ phải cử người đưa, đón.
Ngoài ra, nhiều phụ huynh cũng cho rằng, việc sáp nhập trường THCS Quảng Phúc với trường THCS Quảng Vọng không được lãnh đạo xã lấy ý kiến từ nhân dân. Hơn nữa, trường THCS Quảng Phúc đã đạt chuẩn quốc gia, trong khi trường THCS Quảng Vọng thì chưa.
Bên cạnh đó, việc đổi tên sau khi sáp nhập thành trường THCS Phúc vọng cũng khiến nhiều người dân phản ứng, không đồng tình.
Ông Hoàng Xuân Thanh, người dân xã Quảng Phúc nêu quan điểm, tốt nhất vẫn giữ nguyên trường THCS Quảng Phúc, nếu cần thì tinh giản bớt bộ máy của nhà trường, giống như điểm trường lẻ ở các huyện khác trong tỉnh. Nếu sáp nhập trường sẽ gây nguy hiểm cho các cháu nhỏ khi tham gia giao thông trên quãng đường dài 4km, từ xã Quảng Phúc đến Quảng Vọng.
Giống như hàng trăm phụ huynh khác, chị Hoàng Thị Tuyết, trú xã Quảng Phúc cũng không đồng tình việc sáp nhập này. “Trường THCS Quảng Phúc mới đạt chuẩn quốc gia, việc quy định số học sinh như thế nào thì phải sáp nhập trường chúng tôi không rõ; tuy nhiên, cũng cần phải xem xét thực tế về cơ sở vật chất của nhà trường, của xã”, chị Tuyết cho hay.
Sau khi lắng nghe ý kiến của bà con nhân dân, Bí thư Huyện ủy Quảng Xương Nguyễn Văn Chính cho biết, mỗi cấp học một lớp sẽ ít tạo ra sự cạnh tranh trong học tập, việc giao lưu học hỏi giữa các em học sinh bị hạn chế hơn, từ đó sự tự tin của các em sẽ kém dần đi. Hơn nữa, nếu giữ như vậy thì giáo viên không đủ các tiết dạy.
Ông Chính cũng nhấn mạnh, việc sáp nhập trường ở đây không có gì ngoài mục đích duy nhất là mong muốn các cháu được học tập trong điều kiện tốt hơn.
Tuy nhiên, kết thúc buổi đối thoại, dựa trên tình hình thực tế, ông Chính giao cho UBND xã Quảng Phúc ra quyết định tạm thời hoãn việc sáp nhập và thông báo về các thôn để người dân biết. Đồng thời, ông Chính cũng vận động bà con ngày mai (29/8), cho con em trở lại trường học.
“Khi dân không đồng tình thì sao phải cố, vì vậy, học sinh ở Quảng Phúc cứ để cho các cháu học ở đây và Quảng Vọng cũng vậy. Nếu người dân chưa đồng tình, hãy tạm hoãn việc sáp nhập 2 trường lại, khi nào bà con đồng ý thì làm”, ông Chính nói.
Trước đó, từ ngày 23 - 25/8, hàng trăm người dân, có cả người già lẫn trẻ em đã mang loa cầm tay, tụ tập trước trụ sở UBND xã Quảng Phúc để phản đối việc chuyển trường. Họ cho rằng, việc chuyển trường THCS Quảng Phúc về sáp nhập với trường THCS Quảng Vọng, sẽ khiến cho con em mình phải đi xa vất vả, sợ mất an ninh trật tự và an toàn giao thông.
Mặc dù UBND huyện và UBND xã đã nhiều lần giải thích, tuyên truyền cho bà con, nhưng sự việc vẫn chưa được người dân đồng tình, hưởng ứng. Vì vậy, đã mấy ngày nay, hàng trăm người dân kéo nhau lên trụ sở xã để phản đối, gây mật trật tự ở địa phương.
Phạm Thọ