Mới đây, bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn số 362/BGD-ĐT-GDTX gửi sở GD&ĐT Hà Nội về việc sáp nhập các trung tâm công lập trên địa bàn cấp huyện.
Theo đó, bộ GD&ĐT nhận được công văn số 108/CV-TTGDTX HT ngày 1/12/2016 của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Hà Tây về việc giữ nguyên trạng trung tâm Giáo dục thường xuyên Hà Tây cấp tỉnh ở danh sách công lập trực thuộc sở GD&ĐT Hà Nội. Về nội dung của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hà Tây, bộ GD&ĐT có ý kiến như sau:
1. Việc sáp nhập các trung tâm công lập trên địa bàn cấp huyện theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 39/2015TTLT-BLĐTBXH-BGD&ĐT-BNV ngày 19/10/2015 của liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bộ Giáo dục và Đào tạo, bộ Nội vụ (thông tư 239) là phù hợp với chủ trương của Đảng trong nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 12/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bộ GD&ĐT ủng hộ chủ chương của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội.
2. Quy định hiện hành việc quy định mạng lưới các cơ sở giáo dục ở địa phương thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, tuy nhiên việc quy hoạch cần căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành. Khoản 6, Điều 19 Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2/4/2006 của Chính phủ quy định: “Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh”. Do vậy, trong quy hoạch của Thành phố Hà Nội cần có ít nhất một trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp tỉnh.
3. Việc sáp nhập trung tâm GDTX cấp tỉnh giao về UBND cấp huyện quản lý không phù hợp với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư 39, vì Điều 2 của Thông tư 39 quy định đối tượng áp dụng là trung tâm công lập cấp huyện gồm: “Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp”.
Bộ GD&ĐT đề nghị sở GD&ĐT Hà Nội báo cáo và tham mưu với UBND Thành phố Hà Nội có giải pháp thực hiện dứt điểm theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.
Công Luân (ghi)