Trước những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua, ngành hàng không Việt Nam vừa đón nhận một tin vui khi Cục Hàng không Việt Nam đề xuất kế hoạch phục hồi vận tải hàng không nội địa. Theo đó, các đường bay sẽ được khai thác với tần suất phù hợp theo tiến trình 3 giai đoạn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các hãng hàng không sắp có cơ hội “trở lại với bầu trời” sau một thời gian dài gần như "đóng băng" vì giãn cách. Đây cũng được xem là một giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không đang dần kiệt quệ về tài chính.
Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm nay, các hãng bay chỉ vận chuyển được 11.000 lượt khách trong tháng 8/2021, giảm 99% so với tháng 8/2020. Trong đó, có 2.000 khách quốc tế (giảm gần 90% so với tháng 8/2020) và 9.000 khách nội địa (giảm hơn 99% so với tháng 8/2020).
Điều này đã đẩy các doanh nghiệp hàng không vào thế nguy hiểm khi doanh thu giảm 80 - 90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng, nguồn lực về tài chính dần cạn kiện, cơ hội tiếp cận với vốn vay khó khăn...
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không (VABA), tính đến tháng 8/2021, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng hàng không nội địa Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đã lên tới trên 40.000 tỷ đồng.
Theo dự đoán của VABA, năm 2021, các hãng hàng không vẫn có thể lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ việc kinh doanh vận tải hàng không, do đó các hãng bay rất cần sự hỗ trợ tín dụng của Nhà nước.
Nhìn chung, bức tranh tài chính của các doanh nghiệp hàng không được đánh giá đang trong tình trạng “bi đát” chưa từng có. Song, tùy theo quy mô và khả năng ứng phó của từng hãng hàng không với Covid-19, mức độ khó khăn với mỗi hãng lại khác nhau.
Vietnam Airlines
Có thể thấy, làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã bồi thêm đòn chí mạng vào các doanh nghiệp ngành hàng không, bi đát nhất là Vietnam Airlines khi ngày càng lún sâu vào thua lỗ, tình hình tài chính mất cân đối nghiêm trọng.
Thực tế cho thấy, tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn chồng chất khó khăn khi trải qua 6 quý thua lỗ liên tiếp. Cụ thể, doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 của hãng bay giảm gần 44% so với cùng kỳ về mức gần 14.000 tỷ đồng; lỗ sau thuế lên đến 8.585 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 5.262 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Đáng chú ý, hãng bay này đang âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 17.700 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6, tài sản ngắn hạn chỉ bằng chưa đầy 1/5 nợ ngắn hạn, lưu chuyển tiền thuần âm trong nửa đầu năm dẫn đến lượng tiền và tương đương tiền của hãng còn 1.289 tỷ đồng, giảm 23% so với đầu năm. Tổng vay nợ tài chính tăng lên 34.462 tỷ đồng, chiếm hơn 56% tổng nguồn vốn.
Theo đó, các chỉ tiêu về thanh khoản, cơ cấu vốn và khả năng hoạt động đều giảm xuống mức thấp. Trước những khó khăn mà hãng bay phải đối mặt, từ giữa tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhận định Vietnam Airlines đang ở bên bờ vực phá sản.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho Vietnam Airlines, năm 2020, Quốc hội đã thông qua gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho hãng bay này.
Trong đó, 4.000 tỷ đồng là cho vay tái cấp vốn lãi suất 0% từ các tổ chức tín dụng, 8.000 tỷ đồng còn lại để tăng vốn điều lệ đến từ phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Mới đây nhất, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã đại diện Nhà nước giải ngân gần 7.000 tỷ đồng mua cổ phiếu trong đợt phát hành tăng vốn của Vietnam Airlines.
Bamboo Airway
Năm 2020 là một năm khó khăn chung với ngành hàng không Việt Nam và đối với Bamboo Airways cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của hãng bay này cũng có sự khởi sắc hơn "anh cả" Vietnam Airlines khi ghi nhận lỗ trong quá trình sản xuất kinh doanh năm 2020 nhưng được bù đắp bằng khoản thu từ tài chính.
Cụ thể, năm 2020, Bamboo Airways đạt doanh thu 175,3 triệu USD (khoảng 4.000 tỷ đồng), tăng 16% so với năm 2019. Do kinh doanh dưới giá vốn, hãng ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức âm 156 triệu USD (khoảng 3.600 tỷ đồng), con số này cao gấp 3 lần mức lỗ cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, năm 2020 Bamboo Airways thu về khoản doanh thu hoạt động tài chính lên tới 201 triệu USD. Đây được cho là nguyên nhân chính giúp hãng bay ghi nhận khoản lãi sau thuế là 13,4 triệu USD, tăng nhẹ so với mức lãi 10,4 triệu USD năm 2019.
Năm 2019, cũng nhờ khoản thu tài chính 78,5 triệu USD giúp hãng hàng không này thoát lỗ và mang về khoản lãi ròng 10,4 triệu USD. Tuy nhiên, Bamboo Airways không thuyết minh cụ thể chi tiết nguồn thu đột biến từ hoạt động tài chính.
Theo đại diện Bamboo Airways, năm 2020 Bamboo Airways đã chủ động sáng tạo, kịp thời triển khai đồng bộ giải pháp nỗ lực vượt khó trước đại dịch Covid-19.
Năm 2020, hãng bay này vận chuyển hơn 4 triệu lượt khách, tăng 40% về số lượng chuyến bay và sản lượng khách so với năm 2019. Sau dịch bệnh, hãng cũng phục hồi nhanh và vẫn duy trì tỷ lệ bay đúng giờ hàng đầu ngành hàng không Việt Nam.
Hiện nay, Bamboo Airways cũng đã có kịch bản mở lại các chuyến bay thường lệ vào cuối tháng 9 này. Đại diện hãng bay cho biết, khi được Cục Hàng không cho phép sẽ mở bán vé máy bay theo đúng slot đã được cấp. Bamboo Airways cũng sẽ mở lại đường bay tới sân bay Phú Quốc.
Bên cạnh đường bay nội địa, hãng bay này cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc mở lại các đường bay quốc tế. Hãng vừa chính thức được cấp slot bay thẳng tới Sân bay quốc tế San Francisco và Sân bay quốc tế Los Angeles, bang California (Mỹ) bắt đầu từ 1/9/2021.
Vietjet Air
Mặc dù lỗ gộp gần 1.300 tỷ đồng, nhưng trong quý II/2021, Vietjet Air vẫn ghi nhận lãi ròng nhờ có khoản thu nhập bất thường từ hoạt động tài chính.
Theo đó, doanh thu thuần của hãng bay này đạt 3.542 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ gộp trong quý II cũng ghi nhận 1.278 tỷ đồng, cao gấp gần 12 lần cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, nhờ có 1.757 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính đã giúp Vietjet xóa lỗ gộp và ghi nhận lãi sau thuế 4,5 tỷ đồng trong quý.
Tổng cộng 6 tháng đầu năm nay, Vietjet báo cáo doanh thu thuần 7.590 tỷ, giảm 30,4% so với nửa đầu 2020. Ngược lại, doanh thu tài chính cao gấp ba lần giúp cho lợi nhuận sau thuế tăng 174% lên 128 tỷ đồng.
Trước khi dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát vào cuối tháng 4, Vietjet lên mục tiêu doanh thu 32.000 tỷ, lãi sau thuế hợp nhất 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên khi dịch lan rộng với hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày, Vietjet chỉ phấn đấu hòa vốn trong năm nay.
Vietjet cho biết hãng đã vận chuyển hơn 4,8 triệu lượt hành khách trên 34.000 chuyến bay bay trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh việc vận chuyển hàng khách, hãng bay cũng tăng cường hoạt động vận chuyển hàng hoá. Theo đó, tổng lượng hàng hoá vận chuyển đạt hơn 37.000 tấn, tăng 40-45% so với cùng kỳ.
Trong thời gian tới, Vietjet Air sẽ tăng cường đàm phán giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp phù hợp với tình hình doanh nghiệp hiện tại và triển khai giải pháp gia tăng nguồn thu khác như chuyên chở hàng hóa, mở rộng dịch vụ hàng không, đầu tư tài chính và dự án đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Vietjet cũng đang có các kế hoạch để mở lại các đường bay tới các sân bay đã được phân vùng xanh, đỏ, vàng và có các phương án đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 phù hợp. Hiện hãng này đã triển khai thành công hộ chiếu sức khoẻ cho một số đường bay.