Từ lâu, sự đối đầu giữa hai phiến quân đối lập ở vùng Đông Ghouta - Failaq al-Rahman và Jaish al-Islam – đã khiến vùng đất Ghouta bị chia ra thành nhiều phần kể từ năm 2016, thổi bùng các cuộc giao tranh giữa những phiến quân và đem lại lợi thế cho quân đội Chính phủ Syria.
Sự đối đầu của các phiến quân cũng phần nào phản ánh những căng thẳng giữa các bên “đỡ đầu” cho các nhóm này: Saudi Arabia – hậu thuẫn cho Jaish al-Islam và Qatar – hỗ trợ cho Failaq al-Rahman.
Trong những bình luận trên các trang mạng xã hội vào cuối ngày 25/3 vừa qua, các nhóm phiến quân đã đổ lỗi cho nhau vì đã để quân Chính phủ Syria giành chiến thắng quá nhanh ở vùng Đông Ghouta.
Phát ngôn viên phụ trách quân sự của nhóm Jaish al-Islam trong một bài phỏng vấn với kênh truyền hình al-Hadath cho hay, nhóm phiến quân Failaq al-Rahman đã bác bỏ lời đề nghị cùng tiến quân, gia tăng tấn công ở Ghouta và cáo buộc nhóm này cắt nguồn cấp nước cần thiết để làm đầy các hào bảo vệ.
“Những con hào quá khô, khiến quân Chính phủ dễ dàng tiến công hơn”, Hamza Birqdar, phát ngôn viên nhóm Jaish al-Islam cho hay.
Đổi lại, phát ngôn viên của nhóm Failaq al-Rahman cũng nói trên cùng kênh truyền hình rằng phiến quân Jaish al-Islam đã xây dựng hàng phòng ngự quá yếu ớt ở Đông Ghouta, khiến quân ủng hộ Tổng thống Assad dễ dàng chia cắt vùng này ra làm 3 dải đất nhỏ hơn.
“Failaq al-Rahman đã bị đâm lén sau lưng... bằng các mặt trận mà Jaish al-Islam lẽ ra phải có mặt ở đó”, Wael Olwan, phát ngôn viên của Failaq al-Rahman tại Istanbul nói.
Một quan chức Syria cho biết, “xung đột giữa các nhóm khủng bố” ở Đông Ghouta là một trong những nhân tố chủ chốt giúp quân đội “đạt được những thành công hiện tại chỉ trong thời gian ngắn ngủi”.
Việc các phiến quân bất hòa lần này cũng tương tự như những gì từng xảy ra vào năm 2016, khi các nhóm đối lập đổ lỗi cho nhau khi quân ủng hộ Assad và nhóm chiến binh Shiite do Iran hậu thuẫn chọc sâu vào vùng Đông Aleppo và giành chiến thắng.
Hàng ngàn chiến binh Failaq al-Rahman cùng với gia đình của họ sẽ rời khỏi vùng Đông Ghouta sau một thỏa thuận với quân đội Chính phủ để tới vùng lãnh thổ ở phía Bắc Syria.
Jaish al-Islam hiện vẫn đang bám lấy vùng đất ở thị trấn Douma ở Ghouta.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 26/3 rằng các chiến binh của nhóm phiến quân này đã sẵn sàng “giã từ vũ khí” và rời đi. Tuy nhiên, nhóm này đã phủ nhận thông tin trên.
Các phiến quân đã rời khỏi Đông Ghouta hiện đã tới Idlib, một vùng đất do quân nổi dậy chiếm đóng ở gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Idlib cũng đã bị tàn phá nghiêm trọng sau các cuộc giao tranh dữ dội trước đây giữa các nhánh của al-Qaeda và những nhóm đối lập khác.
Tình trạng xung đột giữa các nhóm đối lập chống lại Tổng thống Bashar al-Assad được cho là một trong những điểm yếu lớn nhất của phe này kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.
Do đó, phía Syria cùng các đồng minh Nga, Iran cũng lợi dụng điều đó để tiến hành các cuộc tấn công và phần lớn đều thành công.
Ngoài ra, sự ủng hộ của Nga và Iran đối với Syria cũng được đánh giá là cao hơn gấp nhiều lần so với những gì các phiến quân nhận được từ các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Saudi Arabia và Mỹ.
Ngoài thành trì ở phía Tây Bắc Syria, hiện tại các nhóm phiến quân nổi dậy vẫn đang chiếm giữ một vùng lãnh thổ ở gần biên giới với Jordan và Israel cùng một số mảnh đất gần Damascus, Homs và Hama.
Xem thêm: Nóng: Lộ tung tích xe tăng ở Jordan, Mỹ sắp đánh lớn ở Syria?