Chính thức từ 1/7/2020, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Lúc này, cũng như lương của công chức, 5 khoản phụ cấp tính theo lương cơ sở của đối tượng này gồm phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động, phụ cấp độc hại, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp công tác lâu năm cũng tăng theo, gồm 2 giai đoạn:
- Từ nay đến 30/6/2020: Tính theo mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng/tháng;
- Từ 1/7/2020 trở đi: Tính theo mức lương cơ sở mới là 1,6 triệu đồng/tháng.
Trong đó, 5 loại phụ cấp trên được tính theo công thức: Phụ cấp = Hệ số x mức lương cơ sở.
Phụ cấp khu vực của công chức
Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 204/2004/NĐ-CP, phụ cấp khu vực áp dụng với các đối tượng làm việc ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu, gồm:
- Công chức, viên chức đang trong thời gian tập sự, thử việc làm việc trong các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, được xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định
- Công chức cấp xã, phường, thị trấn
- Công chức, viên chức thuộc biên chế Nhà nước, được cử đến làm việc ở các hội, tổ chức phi Chính phủ…
- Người làm công tác cơ yếu; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong cơ quan quân đội và công an…
Trong đó, các yếu tố xác định phụ cấp khu vực được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT như sau:
- Yếu tố địa lý tự nhiên: Khí hậu xấu, thể hiện ở mức độ khắc nghiệt về nhiệt độ, độ ẩm, độ cao, áp suất không khí, tốc độ gió… cao hơn hoặc thấp hơn so với bình thường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người;
- Xa xôi, hẻo lánh: Mật độ thưa thớt, xa các trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế, xa đất liền; đường xá, cầu cống, trường học, cơ sở y tế, dịch vụ thương mại thấp kém, đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của con người…
Ngoài ra, phụ cấp khu vực còn được xem xét theo địa giới hành chính. Do đó, ở địa bàn nào thì được hưởng phụ cấp khu vực của địa bàn đó. Đặc biệt, khi việc xác định phụ cấp khu vực thay đổi như chia, nhập, thành lập mới… thì mức hưởng phụ cấp này cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp.
Bởi vậy, không phải đối tượng nào cũng được hưởng phụ cấp khu vực mà chỉ những đối tượng làm việc tại nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu… thì mới được hưởng loại phụ cấp này.
Trong đó, công chức được hưởng phụ cấp này theo 7 hệ số là 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0.
Trong năm 2020, phụ cấp khu vực của công chức cụ thể như sau:
Phụ cấp lưu động
Loại phụ cấp này áp dụng với công chức (kể cả đang tập sự) vì tính chất, đặc điểm của nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở, điều kiện sinh hoạt không ổn định như:
- Tổ, đội công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh phòng dịch, sinh đẻ có kế hoạch, sốt rét, bướu cổ ở vùng trung du;
- Tổ, đội khảo sát, tìm kiếm khoáng sản thuộc liên đoàn địa chất chuyên đề; Khảo sát, điều tra rừng; Điều tra, sưu tầm dược liệu quý, hiếm ở các miền núi cao, biên giới, hải đảo, nơi xa xôi, hẻo lánh…
Trong đó, phụ cấp lưu động gồm 3 hệ số là 0,2; 0,4 và 0,6.
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm
Loại phụ cấp này áp dụng với đối tượng công chức làm việc trực tiếp ở nơi độc hại, nguy hiểm mà yếu tố độc hại này cao hơn bình thường:
- Tiếp xúc trực tiếp với chất độc, khí độc, bụi độc, môi trường dễ bị lây nhiễm, mắc bệnh truyền nhiễm;
- Ở môi trường chịu áp suất cao hoặc thiếu dưỡng khí, nơi quá nóng hoặc quá lạnh;
- Công việc có tiếng ồn lớn hoặc có độ rung liên tục với tần số cao vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động và vệ sinh lao động cho phép;
- Có phóng xạ, tia bức xạ hoặc điện từ trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Trong đó, mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm có 4 mức hệ số là 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4.
Phụ cấp trách nhiệm công việc
Với người có tính chất công việc đòi hỏi trách nhiệm cao
Những đối tượng được hưởng phụ cấp này gồm:
- Cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị); viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trả lương của cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;
- Do tính chất, đặc điểm của nghề hoặc công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc đảm nhiệm công tác quản lý nhưng không thuộc chức danh lãnh đạo do bầu cử hoặc do bổ nhiệm (hay không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo).
Hiện nay, mức phụ cấp trách nhiệm công việc của các đối tượng này được quy định chi tiết tại Thông tư 05/2005/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
Nhóm công chức này được hưởng phụ cấp gồm 4 mức với các hệ số 0,1; 0,2; 0,3 và 0,5.
Với người làm công tác bảo vệ cơ mật mật mã
Căn cứ Thông tư 07/2017/TT-BNV, người làm công tác bảo vệ cơ mật mật mã gồm:
- Người làm công tác cơ yếu là quân nhân, công an nhân dân;
- Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân;
- Người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu. Tuy nhiên, nếu làm việc theo chế độ hợp đồng lao động một số loại công việc trong tổ chức cơ yếu không xếp lương theo bảng lương do Nhà nước quy định thì không được hưởng phụ cấp này;
- Học viên cơ yếu.
Đáng lưu ý rằng, loại phụ cấp này không áp dụng với người đã quyết định thôi việc, phục viên, xuất ngũ và nghỉ hưu.
Phụ cấp này gồm 3 mức với các hệ số lần lượt là 0,1; 0,2 và 0,3.
Phụ cấp công tác lâu năm
Loại phụ cấp này áp dụng với công chức làm việc ở nơi có điều kiện đặc biệt khó khăn với các mức:
- 0,5 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 5 năm - dưới 10 năm
- 0,7 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 10 năm - dưới 15 năm
- 1,0 nếu có thời gian làm việc thực tế từ đủ 15 năm trở lên
Các khoản phụ cấp của công chức thay đổi thế nào từ năm 2021?
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ năm 2021, những khoản phụ cấp sau đây sẽ bị bãi bỏ:
- Phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để đảm bảo tương quan tiền lương với cán bộ, công chức)
- Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ)
- Phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản);
- Phụ cấp độc hại nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).
Riêng giáo viên, việc bỏ phụ cấp thâm niên đã được quy định cụ thể tại Điều 76 Luật Giáo dục 2019. Theo đó, nhà giáo… được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ
Trong khi Luật Giáo dục năm 2005 sửa đổi, bổ sung quy định giáo viên được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác.
Do đó, từ 1/7/2020, khi Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực, giáo viên đã không còn được hưởng phụ cấp thâm niên nữa.
Cũng tại Nghị quyết này, Ban Chấp hành Trung ương còn quy định sẽ bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của công chức, viên chức có nguồn gốc ngân sách Nhà nước như:
- Tiền bồi dưỡng họp
- Tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án
- Hội thảo…
Đồng thời, cũng khoán các chế độ ngoài lương như tiền xăng xe, tiền điện thoại, không gắn lương công chức, viên chức với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy định chính sách, chế độ không có tính chất lương.
Một sự thay đổi khác về các khoản phụ cấp của công chức từ năm 2021 là sẽ quy định mới về chế độ phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính đối với cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.
Cũng liên quan đến phụ cấp ở địa phương, Nghị quyết 27 khẳng định thực hiện nhất quán khoán quỹ phụ cấp hằng tháng với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố. Uỷ ban nhân dân cấp xã trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể các chức danh được hưởng phụ cấp theo hướng một chức danh có thể đảm nhiệm nhiều công việc.
Bên cạnh việc sắp xếp lại các khoản phụ cấp của công chức hiện hành, Nghị quyết này cũng chỉ rõ, tổng quỹ phụ cấp sẽ chỉ chiếm tối đa 30% tổng quỹ tiền lương.
Hoàng Mai