Bộ GTVT vừa công bố dự thảo lần 3 của Luật Giao thông đường bộ sửa đổi để lấy ý kiến người dân.
Dự luật thay thế Luật Giao thông đường bộ hiện hành (2008) có nhiều điểm mới như quy định về việc chấp hành đèn tín hiệu giao thông.
Cụ thể, khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ ban hành năm 2008 giải thích tín hiệu đèn giao màu vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.
Tuy nhiên, tại dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi có quy định, tín hiệu đèn giao thông vàng là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi, nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có).
Như vậy, điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ 2008 là dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã đưa ra trường hợp ngoại lệ được "vượt đèn vàng".
Ngoài ra, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 sửa đổi quy chuẩn 41:2016, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây cũng có quy định, Tín hiệu vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “vạch dừng xe”; Nếu không có vạch sơn “vạch dừng xe”, phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Người vi phạm cố tình điều khiển phương tiện chạy qua vạch sơn “vạch dừng xe” sẽ bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Trong trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “vạch dừng xe” khi tín hiệu vàng bật sáng, nếu dừng lại sẽ gây nguy hiểm, phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau; khi đó người điều khiển phương tiện sẽ không bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Không chỉ thay đổi quy định về đèn vàng, tại dự thảo quy định về đèn xanh cũng được thay đổi so với luật hiện hành.
Cụ thể, dự thảo định nghĩa tín hiệu xanh là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng định đi tới đang bị ùn tắc, nếu tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra khỏi nút giao trước khi đèn chuyển màu. Bộ GTVT đưa ra quy định này với mong muốn sẽ phần nào hạn chế được tình trạng tắc nghẽn tại các nút giao có đèn giao thông.
Thực tế, các ngã tư trong thành phố thường xảy ra tình trạng ùn tắc khi trời mưa hoặc vào giờ tan làm. Vì thế, các phương tiện đang di chuyển qua đèn xanh thường xuyên bị mắc kẹt giữa các phương tiện vượt đèn đỏ ở làn giao cắt.
Đối với tín hiệu đèn đỏ, nếu luật hiện hành định nghĩa ngắn gọn "Tín hiệu đỏ là cấm đi" thì dự thảo luật sửa đổi mới đã diễn giải cụ thể hơn:"Tín hiệu đỏ là báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp không có vạch dừng thì phải dừng lại trước đèn tín hiệu theo chiều đi, nếu đèn tín hiệu đặt ở giữa hoặc phía bên kia của nút giao thì không được đi vào nút giao, phải dừng lại trước vạch cho người đi bộ (nếu có).
Ngoài những trường hợp ngoại lệ nêu trên này, người tham gia giao thông cũng có thể bỏ qua đèn tín hiệu trong trường hợp có lệnh của người điều khiển giao thông.
Theo đó, dự thảo luật quy định rõ thứ tự chấp hành từ cao xuống thấp là: Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu và cuối cùng là vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
Mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông
Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ hiện nay không quy định lỗi nào là lỗi vượt đèn vàng, vượt đèn đỏ hay "vượt đèn xanh khi nút giao ùn tắc". Cả ba lỗi này được quy định chung là lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Theo đó, người đi xe đạp, xe máy hay ô tô… không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị xử phạt như sau:
Phương tiện | Mức phạt |
Xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện | Từ 100.000 đến 200.000 đồng |
Xe máy, xe mô tô, xe máy điện | Từ 600.000 đến 1 triệu đồng |
Máy kéo, xe máy chuyên dùng | Từ 1 đến 2 triệu đồng |
Ô tô | Từ 3 đến 5 triệu đồng |
Hoàng Mai