Lỗi kỹ thuật hay do bị thiên tai?
Như chúng tôi đã đưa tin: Vào khoảng 17h ngày 30/9/2013, trụ tháp ăng ten cao 150m đóng trên địa bàn phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) đã bất ngờ bị cơn bão số 10 quật ngã, vắt ngang toà nhà của đài khiến 2 nhân viên là Nguyễn Chí Thành và Lê Thanh Nghị tử vong và công nhân Trần Công Thắng bị thương nặng. Hiện nay, tình trạng nạn nhân vẫn đang hết sức nguy kịch, khi cánh tay trái anh Thắng bị cắt lìa chưa tìm thấy để tiến hành bảo quản, nối lại. Trong khi đó, anh Lê Thanh Nghị, quê ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình), là tài xế của Đài VOV bị đè nằm giữa đống đổ nát. Hơn 30 bộ đội thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và công an Quảng Bình phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai công tác cứu hộ tìm kiếm ngay trong đêm và mất hơn 6 tiếng đồng hồ đào bới đất luồn xuống dưới và cắt tỉa những thanh sắt của trụ tháp mới đưa được thi thể anh ra ngoài.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình cột ăng ten thu phát sóng Đài VOV TP. Đồng Hới mới đưa vào sử dụng năm 2012, thuộc Dự án Phủ sóng của VOV khu vực Duyên Hải miền Trung. Trao đổi với PV báo Người đưa tin, Đại tá Mai Xuân Thọ, Trưởng công an TP. Đồng Hới cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, tất cả các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã tiến hành họp khẩn cấp để đánh giá tình hình thiệt hại sau trận “siêu bão” cũng như tìm hướng khắc phục hậu quả, nhất là việc trạm thu phát sóng bị quật ngã làm chết 2 người và 1 người bị thương.
Hiện trường trụ ăng ten cao 150m sụp đổ đè chết 2 người và 1 người bị thương nặng.
Đại tá Mai Xuân Thọ khẳng định, cột thu phát sóng này vừa được đưa vào sử dụng hơn 2 tuần. Tuy nhiên, trước đó lãnh đạo công an TP. Đồng Hới đã nhiều lần nhận đơn thư phản ánh của người dân về trạm thu phát sóng cao chót vót này được xây dựng trong khu vực đông dân cư gây nhiều ảnh hưởng. Thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan điều tra và công trình này từng bị đình chỉ xây dựng vì chưa được cấp phép. Theo điều tra của chúng tôi, trước đó vào đầu tháng 6/2012, văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình đã có thông báo gửi UBND TP. Đồng Hới yêu cầu tạm đình chỉ công trình trụ tháp cột ăng ten cao 150m do chủ đầu tư không hề có thông báo với các cơ quan chức năng nào của địa phương về việc xây lắp. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, sau đó không lâu trụ tháp ăng ten này vẫn được cấp phép và tiếp tục xây dựng.
Cần xem xét thấu đáo
Với mong muốn tìm hiểu thực hư, chúng tôi liên hệ làm việc với ông Dũng, Giám đốc trạm phát sóng phát thanh TP. Đồng Hới để có thêm thông tin. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian sau khi vụ việc xảy ra, khu vực này biến thành khu vực “bất khả xâm phạm”, được bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng công an mà theo các chiến sĩ này thì phải khi xin lịch trước mới được vào liên hệ công tác. Theo quan sát của PV, không chỉ nhà hiệu bộ làm việc của nhà đài có lực lượng chức năng túc trực mà ngay cả khu nhà tập thể của cán bộ đài cũng được các chiến sĩ công an bảo vệ nghiêm ngặt.
Một người dân sống tại khu vực xay ra tai nạn cho hay: "Cánh xe ôm chúng tôi được biết, hàng trăm hộ dân nơi đây đã nhiều lần phản ánh trụ tháp này cao chót vót được xây dựng lên trong khu vực đông dân cư sinh sống là không thể đảm bảo an toàn đến tính mạng người dân xung quanh được. Tuy nhiên, đơn thư phản ánh của dân đâu đến được “cửa quan”, vì thế hôm nay mới xảy ra hậu quả đau buồn như vậy. Vụ việc không chỉ cướp mất đi hai mạng người mà nó còn thất thoát đi hàng chục tỷ đồng tiền thuế của bà con nhân dân”.
Cũng theo bác xe ôm này, nếu như một công trình tư nhân được xây dựng lên mà không may bị sụp đổ như vậy thì cơ quan chức năng tính như thế nào hay đến “đạp đổ” luôn, nay một trụ tháp phát thanh mang tầm cỡ quốc gia bị đổ sau cơn bão số 10 với sức gió giật cấp 13-14 mà lại đè bẹp hai mạng sống và 1 người nguy kịch như thế thì có liệu cơ quan chức năng có sớm vào cuộc điều tra và tìm rõ nguyên nhân để có câu trả lời sớm nhất với dân chúng, hay cứ chây ỳ như trụ tháp truyền hình ở Nam Định bị bão số 8 quật ngã vào ngày 28/10/2012.
Liên quan đến vụ sụp đổ hoàn toàn trạm thu phát sóng thuộc Đài tiếng nói Việt Nam VOV tại TP. Đồng Hới ngày 4/10, PV có cuộc trao đổi với ông Đặng Quang Dược, Chánh văn phòng sở Xây dựng Quảng Bình. Ông này cho biết, trước khi đưa vào hoạt động trạm phát sóng này đã từng bị đình chỉ xây dựng, tuy nhiên các anh muốn nắm thông tin rõ hơn về vấn đề này nên gặp anh Nguyễn Ngọc Tình, Trưởng phòng chuyên môn sở Xây dựng thì được rõ hơn vì chuyên môn của anh ấy. Được biết, sáng hôm đó tại trụ sở Xây dựng vừa có cuộc họp kín với bộ Xây dựng, sau cuộc họp thì đoàn công tác của bộ Xây dựng và sở Xây dựng đã đến hiện trường thu thập chứng cứ để điều tra làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ sụp đổ cột ăng ten thu phát sóng cao 150m này.
Để có thêm thông tin chính xác đến quý bạn đọc về trường hợp trạm phát sóng đã từng bị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình “tuýt còi”, PV có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Ngọc Tình để xin làm việc nhưng vị Trưởng phòng này từ chối khi bảo rằng, các anh trao đổi thông tin gì thì lên gặp trao đổi trực tiếp với Giám đốc sở và không nói gì thêm (!?). Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại những vị lãnh đạo đài đang phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra để xác định, sớm đưa ra nguyên nhân trụ tháp ăng ten cao 150m có trị giá 13 tỷ đồng, bị quật ngã trong cơn “siêu bão” vào chiều tối 30/9 là do lỗi kỹ thuật hay thiên tai mà dư luận cả nước đang quan tâm. |
Hoàng Ngọc - Kim Thoa