'Sắp xếp DN theo hình thức sẽ khiến 'ông lớn' tụt hậu'

'Sắp xếp DN theo hình thức sẽ khiến 'ông lớn' tụt hậu'

Thứ 7, 09/11/2013 10:21

"Thay đổi, sắp xếp doanh nghiệp chỉ mang tính hình thức, nửa vời các "ông lớn" sẽ bị tụt hậu, Ỷ vào tiền chùa sẽ tạo ra sự phấn đấu không thực chất", ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói.

Phải bỏ tư duy... “tiêu tiền chùa”

Có nhiều ý kiến cho rằng, những đề án của các tập đoàn chưa thực sự sâu sát trong việc thay đổi tư duy quản lý kinh tế, thay đổi cách nhìn để đảm bảo cho sản xuất phát triển hơn, ông nhìn nhận vấn đề này  như thế nào?

Đúng là tái cấu trúc sắp xếp doanh nghiệp, tập đoàn lẽ ra phải có đề án tổng thể để có những nguyên tắc, điều kiện, yếu tố chi phối và thống nhất trong việc thực hiện. Thế nhưng vừa qua chúng ta làm ngược từ dưới lên, tức là các đơn vị tự đánh giá sắp xếp, hướng dẫn rồi gửi lên trên duyệt. Điều đó cũng tốt vì triển khai nhanh, nhưng nó cũng có mặt không được là thiếu sự thống nhất, chỉ đạo tập trung, thiếu những tiêu chí, quy định mang tính nguyên tắc và sự phối hợp với nhau, tập trung chỉ đạo không triệt để. Thế nên kết quả chưa đạt được yêu cầu mong muốn. Đôi khi tâm lý của những người đã gây ra khuyết điểm và tự sửa tất nhiên sẽ khó. Chính vì lẽ đó, việc sắp xếp tái cấu trúc kinh tế mặc dù đã nói rất lâu và chúng ta đã làm nhiều động tác, nhưng kết quả chưa được như mong muốn, việc đổi mới chưa nhiều.

Bất động sản - 'Sắp xếp DN theo hình thức sẽ khiến 'ông lớn' tụt hậu'

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước.

Ông có nghĩ những tập đoàn, DNNN có "bầu sữa" lớn, làm ăn  thua lỗ có tiền Nhà nước trả nợ hộ, chi tiêu theo kiểu... "tiền chùa", vì vậy họ rất ngại đổi mới?

Điều này rất đúng, đó cũng là một yếu tố quan trọng. Khi người ta được hưởng những đặc ân không theo nguyên tắc, quy định thì vì quyền lợi cá nhân nên họ cứ cố níu lại để hưởng thụ. Đấy cũng là một lý do vừa do cơ chế chính sách, vừa do tâm lý, tư tưởng ý thức của mỗi người, đặc biệt là những người phụ trách doanh nghiệp. Tất cả cộng lại làm cho việc đổi mới sắp xếp hiệu quả không cao hoặc là không tự giác chuyển đổi.

Rút bỏ "đặc ân", tạo sự công bằng

Nhiều người coi chuyện đổi mới sắp xếp doanh nghiệp mang tính chất hình thức. Người ta ví trường hợp của Vinashin, đổi mới bằng cách bỏ cái mỏ neo trước trụ sở đi vì cho rằng nó níu kéo sự trì trệ, chậm phát triển và không hợp... phong thủy. Ông bình luận gì về điều này?

Cách làm của đơn vị này không đúng, bởi nó không lành mạnh và tất nhiên là nó không tồn tại nổi. Thay đổi bằng biện pháp ấy sẽ gặt hái những thành quả không tốt hoặc đổi mới không được bao nhiêu và tác dụng của sắp xếp đó nó nửa vời và hình thức. Chúng ta đã tổng kết qua nhiều thời kỳ, khi các DNNN hoạt động không bình đẳng, nhận nhiều ưu đãi, có chỗ hổng thì sẽ tạo ra sự phấn đấu không thực chất và không tạo ra sự công bằng.

Vậy thưa ông, khi mà sắp xếp tái cấu trúc chúng ta cần có cái nhìn tổng thể như thế nào?

Muốn tái cấu trúc có kết quả thì  cần phải có đề án tổng thể. Trên cơ sở đó rồi phải chi tiết hóa bằng đề án cụ thể từng ngành, từng lĩnh vực, từng đơn vị một. Căn cứ vào thực tiễn của mình để sửa những vấn đề một cách nghiêm túc, có hệ thống trên cơ sở đồng bộ có tác động cùng chiều. Chúng ta chỉ sắp xếp một đơn vị mà các đơn vị khác không thay đổi thì kết quả rất thấp. Chúng ta sắp xếp tập đoàn nhưng không sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, hoặc sắp xếp doanh nghiệp nhưng không sắp xếp ngân hàng thì không hỗ trợ cho nhau, nếu tiến hành đồng bộ thì mới có kết quả và thành công theo yêu cầu. Vì vậy đề án bao giờ cũng phải đảm bảo hai nguyên tắc về quy định cơ chế hợp với thông lệ cơ chế thị trường và nguyên tắc kinh doanh. Ngược lại, chúng ta phải làm một cách đồng bộ, cương quyết, những lộ trình chỉ đạo tập trung.

Các "ông lớn" của nền kinh tế nhận nhiều ưu ái nhưng đóng góp cho nền kinh tế quốc dân lại thua kém các doanh nghiệp tư nhân. Ông đánh giá như thế nào về nhận xét trên?

Đấy là một tồn tại lớn, chính vì thế chúng ta phải cấu trúc nền kinh tế, sắp xếp lại đảm bảo tính bình đẳng, đảm bảo tính công khai minh bạch. Tôi nghĩ rằng phải thúc đẩy động lực kinh tế thì chúng ta mới thành công. Nếu như vẫn còn hiện tượng xin cho, chạy chọt và những hình thức không công bằng, không công khai thì rõ ràng chất lượng hoạt động của hệ thống doanh nghiệp nói chung, nhất là những đơn vị được hưởng đặc quyền này sẽ có sự thụt lùi hoặc không thể tiến lên được.

Nghĩa là Chính phủ cần phải cương quyết yêu cầu các "ông lớn" tái cấu trúc kinh tế mạnh mẽ và thiết thực hơn, thưa ông?

Tôi nghĩ các tập đoàn, DNNN cần phải theo nguyên tắc thống nhất và đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo sự hội nhập sâu đối với quốc tế. Chỉ có vậy họ mới giải quyết, khắc phục những sai lầm hiện nay đang mắc phải.

Xin cảm ơn ông!

Minh Khánh - Cao Tuân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.