Khó khăn trong phân loại rác tại chung cư
Mỗi ngày, Việt Nam phát sinh khoảng hơn 67.000 tấn chất thải sinh hoạt, trong đó chất thải đô thị chiếm 60%. Dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sẽ tăng thêm 10 - 16%. Tuy nhiên, hơn 85% lượng rác thải đang được xử lý bằng cách chôn lấp, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết vấn đề này, việc phân loại rác tại nguồn, đặc biệt là tại các khu chung cư, đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều gia đình chưa thực sự quen với thói quen phân loại rác, trong khi thiết kế của nhiều tòa chung cư lại không khuyến khích được hành vi này.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Phạm Văn Dũng một cư dân sống tại chung cư ở Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết: "Chung cư ở đây có cửa xả rác thẳng đứng, rất tiện cho người dân nhưng để phân loại rác thì tôi nghĩ là rất khó vì tất cả rác thải bỏ chung vào 1 túi để người dân thả xuống".
Điều này phản ánh rõ nét thực trạng tại nhiều tòa chung cư trên cả nước. Mặc dù một số tòa nhà mới đã được thiết kế với các phòng đổ rác có 2 thùng để cư dân phân loại, nhưng vấn đề lại nằm ở ý thức và nhận thức của người dân.
"Mặc dù chúng tôi đã đầu tư các thùng rác riêng biệt để các bạn phân loại rác thải như rác hữu cơ, rác tái chế và rác thông thường, nhưng hầu hết mọi người vẫn vứt tất cả các loại rác chung vào 1 thùng.
Thực trạng trên không chỉ gây ra nhiều khó khăn trong việc xử lý rác, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo vệ môi trường", bà Phạm Thị Hân - Chủ chung cư mini tại quận Cầu Giấy bày tỏ.
Sẽ xử phạt nếu người dân không phân loại rác
Theo Nghị định 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực kể từ ngày 25-8-2022, hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải và không sử dụng bao bì chứa rác thải theo quy định bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường quy định chậm nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới phải áp dụng để thực hiện. Như vậy từ ngày 1/1/2025 sẽ bắt đầu tiến hành xử phạt theo quy định trên phạm vi cả nước dù Nghị định 45 đã có hiệu lực từ giữa năm 2022.
Trong bối cảnh đó, Hà Nội đang gấp rút thực hiện các mô hình thí điểm, với kỳ vọng người dân sẽ nhanh chóng hình thành thói quen phân loại rác.
Là người dân sinh sống tại quận Hai Bà Trưng, ông Đăng chia sẻ: "Bây giờ mình phải thực hiện thôi, chấp hành theo quy định của Nhà nước về phân loại rác thải tại nguồn. Trước đây, chúng tôi chỉ vứt tất cả các loại rác chung vào một thùng, gây rất nhiều khó khăn cho công tác thu gom và xử lý. Nhưng giờ thì mọi người đã có ý thức hơn, cố gắng phân loại rác theo hướng dẫn".
Trên toàn quận Hai Bà Trưng, lượng rác thải phát sinh mỗi ngày khoảng 360 tấn. Trong đó, ước tính lượng rác có thể tái chế là 2%. Để thu được 2% này, mỗi công nhân vệ sinh môi trường khi đi thu gom sẽ có thêm một túi đựng rác tái chế riêng.
Bà Nguyễn Thị Thu - Tổ trưởng Tổ môi trường số 3, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội chia sẻ với Người Đưa Tin rằng: "Trước kia khi người dân chưa phân loại rác, một ca chúng tôi phải thu gom đến 15 xe rác. Thế nhưng từ đầu tháng 6, chúng tôi đã thực hiện công tác tuyên truyền tới người dân về phân loại rác tại nguồn. Trên mỗi xe rác, chúng tôi đã trang bị một túi để đựng rác tái chế của người dân đã phân loại".
Tuy nhiên, với quy mô dân số ước tính khoảng hơn 9 triệu người, việc triển khai phân loại rác tại nguồn tại Hà Nội vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc lựa chọn điểm tập kết rác cồng kềnh, do mật độ dân cư đông đúc và hạ tầng kỹ thuật đã ổn định.
Từ chối thu gom rác thải nếu không phân loại
Theo Dự thảo Thông tư mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường, công nhân vệ sinh môi trường sẽ có quyền từ chối thu gom rác thải nếu người dân không phân loại rác đúng quy định.
Đây là một trong những biện pháp quan trọng để thúc đẩy việc phân loại rác tại nguồn, nhằm giúp thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp này vào thực tế, các công nhân vệ sinh môi trường cho biết còn gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hà, công nhân Công ty Urenco, Chi nhánh Ba Đình chia sẻ: "Kiểm tra xem rác đã được phân loại đúng hay chưa là điều khó khăn. Vì chúng tôi chỉ dừng xe trong thời gian ngắn tại các con ngõ nhỏ, chật hẹp, khối lượng rác lại nhiều, nên không thể kiểm tra kỹ từng túi rác".
Nói về những khó khăn khi có quyền từ chối thu gom rác khi người dân không phân loại, bà Nguyễn Thị Nụ - Công nhân vệ sinh Công ty Urenco chi nhánh Ba Đình cho biết: "Chúng tôi có quyền từ chối không thu gom rác khi người dân không phân loại, vì điều này gây rất nhiều khó khăn cho công việc của chúng tôi.
Khi từ chối, người dân thường phản ứng rất gay gắt, thậm chí còn vứt rác bừa bãi ra ngoài đường, không đúng nơi quy định".
Bà Tâm – Người dân sinh sống tại quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: “Nếu công nhân từ chối thu gom, chúng tôi sẽ chẳng còn cách nào khác ngoài việc vứt rác ra đường. Nhưng vấn đề là, công nhân cũng không để xe thu gom ở đó".
Dự kiến để thu gom rác phân loại, thì mỗi ngày công ty vệ sinh môi trường sẽ tổ chức đi thu 1 loại rác khác nhau. Nhưng với điều kiện của nhiều nhà dân như tại Hà Nội: chật chội, việc tích trữ rác trong nhà để vứt theo đúng ngày cũng là một thách thức.
Góp ý về khó khăn của người dân, chị Nguyễn Thị Nụ bày tỏ: "Nhà chật không có chỗ để phân loại rác. Hôm nay họ không thể tích được cơm thừa canh cặn, ngày mai họ sẽ vứt bừa bãi. Rác tái chế cũng vậy, nếu nhà chật, họ không thể tích được 2-3 ngày, sẽ vứt lung tung".
Có nhiều nơi cũng lắp camera giám sát và biển thông báo xử phạt với hành vi vứt rác bừa bãi. Nhưng số lượng như vậy không nhiều. Nếu việc phân loại rác thiếu đi sự tuyên truyền, sự đồng hành giám sát và xử phạt của chính quyền các cấp, các hội đoàn thể, mà chỉ một mình lực lượng công nhân vệ sinh môi trường từ chối thu gom thì vẫn không mang lại hiệu quả cao.
Theo lộ trình, chỉ còn 5 tháng nữa quy định bắt buộc phân loại rác sẽ có hiệu lực. Nhưng thực tế, nhiều nơi tại Hà Nội vẫn chưa triển khai các kế hoạch cụ thể về phân loại rác. Một số nơi mới dừng ở mức thí điểm quy mô nhỏ.