Án mạng kinh hoàng đầu năm mới
Theo thông tin ban đầu, khoảng 8h ngày 3/1/2013, anh Thìn sang nhà ông Tường chơi. Đều là dân lao động tự do nên công việc của cả hai người khá thất thường, lúc có người thuê thì làm, không có thì ở nhà.
Bởi thế, những khi rỗi việc, hai người vẫn thường rủ nhau nhậu lai rai. Hôm đó, nhân dịp đầu năm mới, ông Tường kêu vợ mua đồ về nhà để anh em "chén chú chén anh".
Cuộc vui có phần "sâu nặng" hơn khi ông Tường than vãn về cuộc sống gia đình. Thường ngày thì anh Thìn chỉ uống rượu chứ không góp ý hay động viên gì cả. Nhưng bữa đó, anh Thìn lại tích cực khuyên giải ông Tường ráng sống vì vợ con, rằng gia đình ai cũng không có lúc này lúc kia.
Các con anh Thìn đau đớn bên linh cữu cha.
Hai người nhậu nhẹt đến tầm 12h trưa, mọi người xung quanh đều đã nghỉ ngơi mà họ vẫn chưa chịu dừng. Thấy vậy, bà Hương (vợ ông Tường) mới "nói khéo" với anh Thìn: "Thôi, uống bấy nhiêu đó là đủ rồi. Giờ ai cũng mệt nên chú về nghỉ ngơi kẻo mai không có sức mà làm việc".
Nghe bà Hương nhắc nhở vậy, anh Thìn vẫn không chịu về, còn ông Tường thì vẫn cố gắng ngồi thêm để "đẹp lòng hàng xóm". Cuộc rượu chỉ tàn vào lúc khoảng 14h30', khi ông Tường đuối sức, không thể ngồi tiếp khách được nữa, ông mới lê mình vào phòng ngủ.
Lúc này, anh Thìn mới đứng dậy ra về. Nhưng theo bà Hương kể lại thì: "Chú ấy cứ đi ra, rồi lại đi vào mấy bận mà không chịu về. Tui khuyên chú ấy về đi để vợ chồng tui còn nghỉ ngơi nhưng chú ấy vẫn cứ loanh quanh ra vào. Sau tui chán quá đành xuống bếp dọn dẹp thì chú ấy vào phòng ông Tường".
Thấy "bạn rượu" đã ngủ, anh Thìn đi vào phòng lấy cục gạch chọc vào đầu ông Tường và nói: "Bố dậy đi để nhậu tiếp". Đang lơ mơ vì rượu, ông Tường mắt nhắm mắt mở nói: "Sao mày lại đánh tao? Tao cho mày ăn cho mày uống mà mày lại đánh tao à? Tao đánh mày giờ".
Thấy chủ nhà mắng mình, anh Thìn giơ cổ ra nói: "Bố tức con thì bố dậy mà chặt cổ con đi, chớ đe dọa làm chi". Đang ngủ dở giấc, lại say rượu nên nghe anh Thìn nói thế, ông Tường đi liêu xiêu vào nhà lấy rựa để chặt củi trong nhà chém anh Thìn một nhát.
Lúc đó, bà Hương nghe tiếng cãi nhau nên chạy từ trong bếp ra thì thấy anh Thìn máu chảy xối xả ở cổ. Hoảng sợ, bà Hương hét lớn: "Ôi bà con ơi! Cứu người, hai chú cháu nhậu nhẹt sao mà chém nhau vậy trời".
Quá đau đớn, anh Thìn chạy ra khỏi nhà nhưng vì vết thương quá sâu, máu chảy nhiều nên gục ngay giữa đường. Mọi người lập tức đưa anh Thìn đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã không qua khỏi. Còn ông Tường, sau khi chém anh Thìn xong, lại quay vào nhà ngủ tiếp.
Lúc đó, cả khu phố náo loạn, đưa anh Thìn đi bệnh viện nhưng ông Tường cũng không hay biết. 3 tiếng sau, công an vào nhà bắt ông Tường vẫn chưa tỉnh rượu. Hiện vụ việc đang được cơ quan công an tỉnh Đồng Nai điều tra làm rõ.
Vợ anh Thìn vẫn không thể tin được chồng mình lại bị chết vì những lý do hết sức ngớ ngẩn đến như vậy.
Bi kịch của gia đình có 2 người mang tội giết người
Một ngày sau khi vụ án xảy ra, chúng tôi đã tìm đến ngôi nhà nơi anh Thìn đã bị bạn nhậu chém chết. Căn nhà vắng vẻ, bà Hương đã sang nhà anh Thìn túc trực tang ma. Khi chúng tôi hỏi hàng xóm về mối quan hệ của hai gia đình, hàng xóm chép miệng: "Hai nhà ấy vốn là hàng xóm tốt, cùng là dân lao động nghèo nên họ rất quý nhau. Thà họ có thù oán gì cho cam, đằng này... Khổ hơn nữa, con ông Tường cũng mới bị kết án tù chung thân về tội giết người. Thương bà Hương quá, ăn ở hiền lành vậy mà phải gánh nhiều bất hạnh...".
Bà Hương ngồi lặng lẽ trong đám tang, lâu lâu lại lén lấy tay lau nước mắt. Có lẽ, bà vừa khóc thương nạn nhân xấu số vừa tự thương số kiếp khổ ải của mình. Bà cho biết, gia đình bà quê ngoài Bắc, vào Nam từ năm 1954. Cũng như bao gia đình lao động nghèo khác, vợ chồng bà chăm lo làm ăn để kiếm tiền nuôi 5 đứa con nên người. Ông Tường học hành không nhiều nên chỉ kiếm tiền bằng lao động chân tay, được cái, ông rất siêng năng và thương yêu vợ con hết mực.
Dù nghèo, con cái bỏ học đi làm công nhân hết, nhưng bà Hương luôn nghĩ mình còn có nhà để ở, chỉ lo kiếm cái ăn, chứ không phải đi thuê nhà như nhiều người đã là may mắn lắm rồi. Tưởng cuộc sống yên ổn, ai ngờ cách đây hơn 1 năm, đứa con trai thứ hai của bà trong một lần đi chơi, mâu thuẫn với bạn bè nên đã phạm tội giết người.
Từ ngày con bị đi tù, vợ chồng bà suy sụp hẳn, nhất là ông Tường. Vốn người hay lo nghĩ nên ông ấy gầy yếu rất nhiều. Sau khi con bị bắt, có người đến rỉ tai bảo là "chạy án" được. Sợ con bị tử hình, bà đã mù quáng nghe lời xúi bậy để đến nỗi "tiền mất tật mang".
Kinh tế gia đình suy kiệt, trong khi con trai vẫn bị tuyên án tù chung thân. Không ngờ giờ đây chính ông Tường cũng sắp phải vô tù vì tội giết người. Khi thấy anh Thìn gục xuống, bà Hương đã nghĩ ngay đến điềm xấu, nhưng lúc đó bà thầm cầu mong anh Thìn sẽ qua khỏi. Ai ngờ...
Bà Hương đau một thì gia đình nạn nhân đau mười. Anh Thìn ra đi để lại 7 đứa con và một bà mẹ già gần 90 tuổi. Bà cụ dáng người gầy sọm, khóc không thành tiếng. Theo người nhà nạn nhân thì bà cụ có 4 người con nhưng đã hai lần phải khóc tiễn con trai mình về nơi chín suối. Tuy con trai có nhà nhưng do quá chật chội, kinh tế lại khó khăn nên bà cụ đã ra ngoài, thuê phòng trọ, mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Bà nghẹn ngào: "Nó ăn ở hiền lành thế mà sao toàn gặp phải nghiệp chướng. Nó còn 7 đứa con mà chưa có đứa nào dựng vợ gả chồng. Bây giờ vợ nó có một mình làm sao nuôi nổi đoàn con đây?".
Ngồi cạnh bên, vợ anh Thìn cũng thẫn thờ, nước mắt lưng tròng. Chị không thể tin rằng chồng mình lại chết trong hoàn cảnh hết sức trớ trêu như vậy. Hôm qua, anh Thìn vẫn còn nói với chị: "Ngày mai em trai dựng nhà, tui phải làm giúp nó mấy hôm. Thương tụi nó quá, chẳng có tiền xây nhà nên nhờ tui kiếm tôn cũ về quây lại để ở, đỡ phải thuê phòng trọ". Nhưng lời anh nói chưa kịp thực hiện thì anh đã bỏ vợ con mà đi.
Dù cả hai gia đình đều rất đau buồn nhưng tình cảm hàng xóm bấy lâu đã giúp họ đẩy lùi những oán hận. Bà Hương đã sang xin lỗi và hứa sẽ chia sẻ phần nào khó khăn với gia đình nạn nhân. Vợ anh Thìn cũng hiểu và thông cảm chứ không oán trách gì. Theo người nhà của anh Thìn thì: "Bi kịch này là do rượu, chớ không phải do thù oán gì. Ai cũng đau đớn cả nên họ sẽ cố gắng để bao dung hơn".
Giờ đây, không biết trong trại tạm giam, ông Tường đã tỉnh rượu chưa? Ông ta có nhớ gì về những tội lỗi mà mình đã gây ra trong cơn say hay không? Vụ án này cũng là lời cảnh tỉnh đối với các "đệ tử lưu linh" hãy cố gắng biết tự kiểm soát bản thân để tránh xảy ra những hậu quả đau lòng.
Tô Hương Sen
(*Tên nạn nhân đã thay đổi)