Theo cáo trạng của VKSND tỉnh T., trước đây, Phong từng có quan hệ tình cảm với chị Trần Thị D. (28 tuổi). Sau khi kết hôn với anh Nguyễn Trung T. (29 tuổi, ngụ xã M., huyện C., tỉnh T.), chị D. đã cắt đứt quan hệ với Phong. Gần đây, Phong tìm cách níu kéo tình cảm với chị D. nhưng bất thành.
Ngày 21/2, Phong thấy chị D. chạy xe ngoài đường nên đuổi theo. Chị D. từ chối nói chuyện và tránh mặt nên Phong sinh lòng thù tức. Tối cùng ngày, Phong chuẩn bị xà beng, kéo và dao nhằm mục đích giết chị D..
Khoảng hơn 1h30 ngày 22/2, anh T. đang ngủ trong nhà thì nghe tiếng cạy cửa nên dậy kiểm tra. Phong đã cầm hung khí đâm anh T., dùng xà beng đánh chị D.. Gây án xong, Phong bỏ trốn. Gia đình đã đưa anh T. và chị D. đến bệnh viện cấp cứu. Đến 3h sáng cùng ngày, anh T. đã tử vong.
Quá trình điều tra, cơ quan công an đã xác định Phong là thủ phạm gây án. Lúc này, Phong đã uống thuốc diệt cỏ tự vẫn nhưng được cấp cứu kịp thời nên thoát chết.
Căn cứ kết quả điều tra, VKS quyết định truy tố bị can Trương Phong theo điểm a (Giết 02 người trở lên) khoản 1 Điều 123 BLHS 2015 về tội Giết người.
Ngày 30/3, TAND tỉnh T. đã mở phiên tòa xét xử vụ án này. Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Hoàng Khôi. Đại diện VKSND, bà Trần Thị Hường. Luật sư Nguyễn Minh Tâm, đoàn luật sư tỉnh T., bào chữa cho bị cáo Phong. Luật sư Lê Thu Hoa, đoàn luật sư tỉnh T. bảo vệ cho gia đình bị hại.
VKS: Cách bị cáo ra tay đã mất hết tính người
Theo lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, chỉ vì bị chị D. từ chối quay lại mà Phong sinh lòng thù tức, lên kế hoạch sát hại vợ chồng chị này để trả thù.
Để thực hiện kế hoạch đen tối của mình, Phong đã chuẩn bị xà beng, kéo và dao. Đêm 22/2, lợi dụng lúc gia đình chị D. đang ngủ, Phong đột nhập vào nhà. Nghe tiếng động, anh T. dậy kiểm tra và bị Phong tấn công. Chị D. ra hỗ trợ chồng cũng bị Phong dùng xà beng đánh vào đầu. Hậu quả là anh T. tử vong còn chị D. bị thương nặng.
Kết quả giám định chị D. bị tổn hại 60% cơ thể. Việc chị D. không chết nằm ngoài ý muốn của Phong. Vì biết trước sau gì cũng bị pháp luật “sờ gáy” nên Phong đã uống thuốc diệt cỏ tự vẫn nhưng vì gia đình phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát chết.
Với hành vi trên, VKS đề nghị xử phạt bị cáo mức án cao nhất là tử hình.
Bị cáo: Bị cáo xin chết để tạ lỗi với người xưa
Kính thưa HĐXX, khi ra tay với vợ chồng D. bị cáo biết thế nào cũng có ngày hôm nay nên đã tự tìm đến cái chết. Nhưng ông trời đã không cho bị cáo được chết nên giờ bị cáo mới phải đứng đây.
Thưa quý tòa, mọi người, nhất là gia đình D. có lẽ rất hận tôi nhưng xin mọi người hãy hiểu cho là bị cáo làm vậy cũng chỉ vì quá yêu D.. Khi biết D. lấy anh T., bị cáo gần như phát điên. Sau này,bị cáo đã nhiều lần năn nỉ D. nối lại tình cảm nhưng D. từ chối. Thái độ của D. khiến bị cáo vô cùng tức giận. Khi đó bị cáo chỉ nghĩ là sẽ không để cho vợ chồng D. được sống yên ổn. Bị cáo nghĩ rằng sau khi chết, bị cáo sẽ được đoàn tụ với D. ở dưới…suối vàng.
Giờ bị cáo xin chấp nhận mọi hình phạt. Hy vọng cái chết của bị cáo sẽ xoa dịu nỗi đau mà bị cáo đã gây ra với gia đình D..
Đại diện gia đình bị hại: Không gì bù đắp được nỗi đau của gia đình tôi
Một người chết, một người bị thương nặng, đó là hậu quả của màn trả thù hèn hạ và độc ác của bị cáo. Giờ ai trả lại cho chúng tôi con trai, ai sẽ giúp con dâu tôi nuôi con nó khôn lớn thành người? Dù bị cáo có đưa tiền tấn, tiền tỷ thì cũng không thể làm con tôi sống lại. Do vậy, gia đình tôi chỉ đề nghị HĐXX xét xử đúng người, đúng tội, đúng mức hình phạt để trả lại sự công bằng cho con tôi
Luật sư bào chữa: Thân chủ của tôi không định giết người
Kính thưa HĐXX, trước khi nhận lời làm người bào chữa cho bị cáo, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và tiếp xúc với bị cáo tại trại giam, tôi tin là bị cáo không có ý muốn giết người mà chỉ định “cảnh cáo” vợ chồng chị D. cho bõ ghét. Vì quá yêu chị D. nên khi chị này đi lấy chồng, bị cáo đã bị stress nặng, không làm ăn được gì. Đã nhiều lần bị cáo tìm gặp chị D. để níu kéo tình cảm nhưng chị D. tránh mặt, thậm chí dùng lời lẽ xúc phạm bị cáo. Trong lúc tức giận, bị cáo chỉ nghĩ làm thế nào để phá hoại cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng chị D.. Đêm hôm bị cáo lẻn vào nhà chị D., nếu anh T. không ra kiểm tra cửa thì rất có thể bị cáo đã không tấn công anh này. Vì trời tối, bị cáo giơ hung khí lên đâm loạn xạ, không may trúng người anh T. khiến anh này thiệt mạng. Sau đó vì sợ chị D. tri hô sẽ làm lộ chuyện nên bị cáo đã đánh chị này, nhằm làm chị ngất đi.
Thưa quý tòa, khi tiếp xúc với bị cáo, tôi có cảm giác Phong không được bình thường về mặt thần kinh. Tìm hiểu từ gia đình và bạn bè của bị cáo, tôi được biết bị cáo từng có thời gian bị thần kinh nhưng ở thể nhẹ nên chưa đi khám chữa. Đề nghị HĐXX lưu tâm đến vấn đề này trước khi quyết định mức án đối với bị cáo.
Luật sư bảo vệ gia đình bị hại: Bị cáo đang ngụy biện
Thưa quý tòa, tội ác của bị cáo Phong đã quá rõ ràng và không thể chối cãi. Cùng một lúc, bị cáo muốn lấy mạng của 2 con người vô tội. Chỉ vì muốn chị D. phải quay lại với mình nhưng không được mà bị cáo sinh lòng thù hận rồi truy sát vợ chồng nạn nhân. Việc chị D. không chết nằm ngoài ý chí chủ quan của bị cáo.
Tôi không đồng tình với quan điểm bào chữa của vị luật sư đồng nghiệp khi cho rằng bị cáo chỉ định “cảnh cáo”, vợ chồng nạn nhân. Có ai đi “cảnh cáo” mà mang theo dao, kéo, xà beng vào lúc nửa đêm không? Ngay sau khi bị bắt, bị cáo đã khai rằng mục đích của mình là lấy mạng vợ chồng chị D., để họ không bao giờ được sống hạnh phúc bên nhau.
Như vậy, chỉ vì sự ích kỷ của mình, bị cáo đã nhẫn tâm cướp đoạt mạng sống của anh T., khiến chị D. bị tổn hại tới 60% cơ thể. Bị cáo đã khiến cha mẹ anh T. mất con, khiến chị D. mất chồng và cháu bé con của anh chị mồ côi cha khi còn quá nhỏ. Và dù bị cáo có phải trả giá bằng cả tính mạng của mình thì cũng không thể khiến gia đình nạn nhân nguôi ngoai nỗi đau này.
Thay mặt thân chủ của mình, tôi đồng tình với mức án mà vị đại diện VKS vừa đề nghị áp dụng đối với bị cáo.
HĐXX: Không ai được quyền tước đoạt mạng sống của người khác
Căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa ngày hôm nay, HĐXX nhận thấy việc VKS truy tố bị cáo về tội Giết người theo điểm a khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 là có cơ sở.
Lời khai của bị cáo, bị hại và các nhân chứng khác cho thấy bị cáo đã chủ động tấn công vợ chồng bị hại và quyết lấy mạng của họ. Việc bị cáo dùng dao và xà beng làm hung khí đã chứng minh điều đó. Trước khi gây án, bị cáo đã chuẩn bị hung khí, ngày, giờ ra tay. Chuỗi hành vi đó không thể nói là đi “cảnh cáo” hay “dằn mặt” được. Hành vi của bị cáo không chỉ tước đi quyền được sống của người khác mà còn khiến gia đình nạn nhân mất đi người thân, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, khiến dư luận phẫn nộ.
Việc luật sư bào chữa cho rằng bị cáo không chủ ý giết người là không có cơ sở để xem xét. Cơ quan điều tra cũng đã trưng cầu giám định tâm thần đối với bị cáo và kết quả giám định cho thấy trước, trong và sau khi gây án, bị cáo hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu của bệnh lý.
Xét thấy hành vi của bị cáo đã mất hết tính người, không thể cải tạo và cần phải loại bỏ khỏi đời sống xã hội, HĐXX quyết định áp dụng điểm a khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo án tử hình về tội Giết người. Buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 500 triệu đồng tiền mai táng phí, tiền điều trị, tiền tổn thất tinh thần, tiền thu nhập bị mất. Buộc bị cáo phải trợ cấp cho cháu bé con nạn nhân mỗi tháng 1,8 triệu đồng cho đến khi cháu đủ 18 tuổi.
Bị cáo, bị hại có 15 ngày để kháng cáo bản án này, kể từ ngày hôm nay.
Ánh Dương