Theo Chánh văn phòng ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hùng, trong tổng số trên 120km bờ biển của tỉnh hiện có khoảng 30km bờ biển bị sạt lở; trong đó, có 10km với 10 điểm bị sạt lở nặng, với tốc độ xâm thực mỗi năm sâu vào đất liền từ 10 - 15m.
Các địa phương đang phải hứng chịu nặng nề nhất bao gồm: Thị trấn Thuận An, Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải (huyện Phú Vang); xã Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền); xã Hải Dương (thị xã Hương Trà); xã Vinh Hiền, Vinh Hải (huyện Phú Lộc); xã Phong Hải (huyện Phong Điền).
Điểm sạt lở bờ biển nặng nhất là đoạn qua xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) dài trên 2km. Tại đây, sóng biển đã đánh sập hoàn toàn một đoạn đê dài hơn 50m, khiến nước biển tràn vào đồng ruộng và khu dân cư phía trong đê.
Mặc dù tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều giải pháp kỹ thuật đầu tư xây dựng kè, rọ đá, hút cát chống sạt lở bờ biển, trồng rừng phi lao… nhưng sạt lở vẫn xảy ra, đe đọa tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình đê, kè biển bảo vệ đất liền.
Tại cửa biển Vinh Hiền (thôn Hải Bình, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc), do mưa lớn, nước từ đầm Cầu Hai đổ ra biển chảy mạnh đã làm sạt lở sâu khoảng 10m, dài 100m. Ở hạ nguồn sông Bù Lu (thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh) sạt lở cũng đang diễn ra phức tạp, tiếp tục sạt lở sâu vào khu dân cư 1m, dài 300m.
Cửa biển Lạch Giang cách đó không xa cũng bị sạt lở gần 1m với chiều dài khoảng 150m. Trong khi đó, cửa biển Lăng Cô cũng đang bị xâm thực nghiêm trọng.
Theo ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, tại đây, biển xâm thực gây sạt lở ngay tại cửa biển dài hơn 120m (khu vực tại Trạm Biên phòng Lăng Cô). Cửa biển trước đây rộng 100m, đến nay đã rộng ra khoảng 200m. Kè đá và các bao cát được xây dựng cuối năm 2016 cũng đã bị sóng biển đánh, tạo xoáy sâu phía dưới nên kè đá bị sập...
Theo lãnh đạo các địa phương, các hộ dân trong khu vực nguy hiểm đã được di dời đến nơi an toàn. Đồng thời, các địa phương đã cử cán bộ theo dõi thường xuyên các điểm xung yếu để có các phương án di dời dân nếu tình hình sạt lở còn diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, từ sau lũ, huyện đã có đề xuất với lãnh đạo tỉnh sớm có phương án khắc phục sạt lở do xâm thực và sạt lở...
Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, mưa lớn kết hợp triều cường dâng cao cũng đã gây sạt lở hơn 2km đê biển tại địa phương. Sạt lở nặng nhất là thôn Tân An và hai đầu bờ kè kéo dài, đoạn xâm thực sâu nhất gần 7m, thấp nhất gần 3m và sạt lở theo kiểu dựng đứng hàm ếch, đây là hiện tượng sạt lở có tốc độ xâm thực nhanh.
Để khắc phục tình trạng đê biển sạt lở, khi nước rút địa phương tập trung gia cố và kiến nghị xây lại tuyến đê biển để đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống của người dân trong vùng.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, các địa phương đang tiếp tục thống kê cụ thể thiệt hại về cơ sở vật chất, hạ tầng, dân sinh… để UBND tỉnh có hướng phân bổ ngân sách khắc phục hậu quả lũ lụt.
Đối với tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông cần có nguồn lực lớn nên các địa phương cần tính toán phương án khắc phục cụ thể phù hợp với nguồn tài chính. Trước mắt, các địa phương chủ động bố trí kinh phí, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tổ chức sửa chữa, nạo vét các tuyến đê điều, kênh mương nội đồng bị hư hỏng, bồi lấp để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2017- 2018.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã đầu tư 6,9 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp, chống xói lở bờ sông Hương đoạn qua thôn Đình Môn, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, đoạn có tổng chiều dài khoảng 150m và đoạn trên sông Bồ qua thôn La Vân Hạ, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền dài khoảng 400m.
Các dự án này đều nằm trong chương trình khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2017; xử lý chống sạt lở bờ tả trên sông Bồ qua thôn La Vân Hạ để bảo vệ 180 hộ dân đang sinh sống dọc bờ sông, bảo vệ công trình giao thông, công trình văn hóa và tạo cảnh quan môi trường.
Theo Quốc Việt/TTXVN