Liên quan đến việc sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại khu vực Vàm Nao (ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang) khiến hơn chục căn nhà của người dân bị nhấn chìm xuống sông Hậu, ngay lập tức lãnh đạo tỉnh ủy An Giang cùng các cơ quan ban ngành đã ứng cứu kịp thời, tiếp tục bố trí lực lượng ứng trực, di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm thêm 100m, đến nơi ở an toàn.
Cơ quan chức năng cũng khẩn trương có phương án khắc phục thiên tai, cũng như nắm bắt, giải quyết kịp thời những nhu cầu, nguyện vọng người dân khu vực bị sạt lở, trong đó cần ưu tiên xử lý tốt việc bố trí nơi ở, đảm bảo điều kiện về y tế và môi trường...
Theo thông tin ghi nhân được, đã có 107 hộ bị ảnh hưởng của vụ sạt lở kinh hoàng này được hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ, từ nguồn ngân sách Trung ương và của huyện Chợ Mới, UBMTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng cho 16 hộ…
Đến thời điểm hiện tại đã có 106 hộ dân và 1 nhà máy trong vùng sạt lở di dời tài sản đến nơi an toàn. UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện bố trí 105 hộ vào sinh sống ở khu dân cư.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Quang Thu – đoàn Luật sư TP.Hà Nội cũng đã đưa rất nhiều các căn cứ pháp lý liên quan đến việc hỗ trợ, bồi thường cho các hộ gia đình có nhà đất thuộc nguy cơ bị sạt lở, sạt lún.
Theo đó, quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 65 luật Đất đai 2013: "Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người thuộc trường hợp bị thu hồi đất".
Trình tự, thủ tục thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người được hướng dẫn cụ thể bởi khoản 2, Điều 65, Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Cụ thể: “2. Trình tự, thủ tục thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người được quy định: “a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giao cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người;
b) Sau khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người mà cần phải thu hồi đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thực hiện các công việc quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều này;
c) Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc bố trí nơi ở tạm và thực hiện tái định cư đối với người phải cưỡng chế di dời đối với trường hợp thu hồi đất quy định tại điểm đ và điểm e Khoản 1 Điều 65 của luật Đất đai”.
Luật sư Thu phân tích: "Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật đất đai 2013.
Tức là, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này khi Nhà nước thu hồi đất thì được bồi thường:
a) Trường hợp không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở; trường hợp không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở thì Nhà nước bồi thường bằng tiền.
b) Trường hợp còn đất ở, nhà ở trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.
2. Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất.
3. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường về đất. (Điều 79 Luật đất đai)".
Luật sư Thu cũng nói thêm, người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định của Luật này còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ các khoản gồm: “Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở; hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở; hỗ trợ khác, (Điều 83 Luật này)".
“Trường hợp quyền lợi của những hộ dân chưa được đảm bảo thì có thế kiến nghị lên cơ quan có thẩm quyền để được đề nghị xem xét, giải quyết”, luật sư Thu nói.
Yến Nhi