Liên đoàn bóng đá UAE (UAEFA) đã gửi kiến nghị lên Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) về việc ĐT Qatar có hai cầu thủ không đủ điều kiện tham dự Asian Cup 2019. Cụ thể, đơn kiến nghị nêu thông tin cầu thủ Almoez Ali, tiền đạo 22 tuổi sinh ra ở Khartoum (Sudan) và Bassam Al Rawi, hậu vệ 21 tuổi sinh ra ở Baghdad (Iraq) đều không đủ điều kiện chơi cho đội tuyển Qatar tại Asian Cup 2019.
Lý do được đưa ra về vấn đề cư trú khi cả hai cầu thủ này không sống liên tục trong lãnh thổ Qatar ít nhất 5 năm từ khi qua tuổi 18.
Điều 7 của Luật FIFA quy định cầu thủ đủ điều kiện khoác áo một đội tuyển quốc gia nếu "sống liên tục ít nhất 5 năm sau khi đủ 18 tuổi trên lãnh thổ của liên đoàn bóng đá quốc gia đó".
Ngày 31/1, AFC đã xác nhận kiến nghị của UAEFA đồng thời cho biết sẽ tiến hành xem xét vụ việc.
Trận chung kết Asian cup giữa Qatar và Nhật Bản chỉ còn tính theo giờ. Vì thế, động thái này của nước chủ nhà UAE là rất nhạy cảm.
Tại Asian Cup 2019, đội tuyển Qatar có chiến thắng đậm 4-0 trước đội chủ nhà UAE để giành vé vào chơi trận chung kết với Nhật Bản. Tiền đạo Ali đã tham dự trận đấu này và là tác giả của bàn thắng thứ hai trên sân Mohamed bin Zayed, trong khi Al Rawi bị treo giò bởi trước đó phải nhận 2 thẻ vàng.
Vấn đề là chỉ 2 tiếng sau khi trận bán kết giữa Qatar với UAE kết thúc, UAEFA đã gửi đơn kiến nghị lên AFC. Theo quy định, UAEFA có 48 giờ để cung cấp mọi bằng chứng chống lại đội tuyển Qatar.
Cả Ali và Al Rawi đều có mẹ sinh ra ở Qatar, nhưng UAEFA tuyên bố rằng họ có tài liệu chứng minh mẹ của Al Rawi sinh ra ở Baghdad và cam kết sẽ đệ trình bằng chứng lên Ủy ban Kỷ luật của AFC.
Trong trận chung kết Asian cup 2019 với Nhật Bản ngày 1/2, cả hai cầu thủ này đều đủ kiện ra sân. Ali là cầu thủ ghi bàn hàng đầu của giải đấu với 8 pha lập công, còn Al Rawi là một phần của hàng phòng ngự chưa từng bị thủng lưới trong 6 trận đấu đã qua.
Theo Luật về đạo đức, AFC có quyền phạt một cầu thủ không đủ điều kiện tham dự giải đấu bằng cách hủy kết quả trận đấu và phạt tiền.
Ngoài ra, cơ quan điều hành bóng đá châu Á cũng có thể loại một đội bóng khỏi giải đấu trong tương lai nếu phát hiện ra sai phạm sau khi kết thúc giải.
Căng thẳng trên thực ra bắt nguồn từ mâu thuẫn chính trị trước đó giữa UAE và Qatar. Ngày 29/1 vừa rồi, UAE cũng đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau khi Qatar ban hành lệnh cấm hàng hóa có nguồn gốc từ UAE, khiến mối quan hệ vốn không "xuôi chèo mát mái" giữa hai quốc gia láng giềng ở vùng Vịnh thêm căng thẳng.
Căng thẳng ngoại giao đã kéo dài suốt 14 tháng qua kể từ tháng 6/2017 khi Saudi Arabia và các đồng minh gồm UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm khủng bố trong khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này và hậu thuẫn các nhóm phá hoại ổn định chính trị.
Các nước Arab trên đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt, trong đó có việc đóng cửa khẩu biên giới trên bộ, đóng cửa không phận đối với máy bay của Qatar, trục xuất công dân nước này.
Đình Văn (tổng hợp)