Ngày 13/12/2022, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó, tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này sẽ bị đánh thuế carbon dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
CBAM nhằm giải quyết vấn đề rò rỉ carbon khi các công ty chuyển sản xuất sang các quốc gia ngoài EU có quy định môi trường ít nghiêm ngặt hơn để tránh phải trả chi phí cao hơn cho lượng khí thải carbon của mình, từ đó đạt được lợi thế cạnh tranh.
Tương tự như Hệ thống mua bán khí thải của Liên minh châu Âu (EU ETS), cơ chế này của EU cũng yêu cầu các nhà nhập khẩu mua hạn mức carbon để trang trải lượng khí thải liên quan đến sản xuất hàng hóa nhập khẩu.
Tác động cục bộ
Với mục tiêu cuối cùng là giảm phát thải khí nhà kính, CBAM được cho là cơ hội để Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0. Mặc dù vậy, việc ứng dụng cơ chế này có thể mang lại nhiều thách thức cho Việt Nam.
Trong những năm đầu tiên, chỉ những sản phẩm sử dụng nhiều carbon nhất phải tuân theo cơ chế CBAM, bao gồm xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, hydro và điện. Những sản phẩm này chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp ở EU.
Tuy nhiên, về lâu dài, nếu CBAM mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp khác để theo dõi “dấu chân carbon” của tất cả các hoạt động sản xuất trong khi các đối tác thương mại của Việt Nam áp dụng các cơ chế tương tự, đây sẽ là mối đe dọa đáng kể đối với các ngành nghề xuất khẩu của nước nhà.
Đây là những thông tin được chia tại phiên đối thoại thứ 20 của Viện Chiến lược, Chính sách Công Thương Việt Nam (VIOIT) trực thuộc Bộ Công Thương với chủ đề “Làm thế nào để Việt Nam tận dụng tốt nhất cơ chế CBAM?”.
Tại buổi đối thoại, đại diện của Liên minh Đối tác Chuyển tiếp Năng lượng (Energy Transition Partnership - ETP) chia sẻ một nghiên cứu cho thấy sắt thép là ngành sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của CBAM, sau đó là nhôm, phân bón và xi măng, tính theo giá trị xuất khẩu sang EU.
Nếu Việt Nam không hành động kịp thời, CBAM có thể khiến tổng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU giảm từ 3-5%, do đó ảnh hưởng đến 1% GDP của quốc gia.
Mặc dù tác động lên nền kinh tế của Việt Nam nói chung không đáng kể, nhưng điều này có thể ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp. Ví dụ, khoản thuế này có thể chiếm tới 20% giá thành của các sản phẩm sắt thép xuất khẩu sang EU khi CBAM có hiệu lực hoàn toàn, vị đại diện này cho biết.
Hệ quả của vấn đề này là sức cạnh tranh cũng như sản lượng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Lộ trình giảm thiểu carbon
Tác động là vậy, nhưng khảo sát của ETP cho thấy rất ít tổ chức hay doanh nghiệp của Việt Nam có hiểu biết sâu sắc về CBAM. Do đó, ETP khuyến nghị, Việt Nam cần làm tốt hơn trong việc phổ biến kiến thức đến doanh nghiệp. Trước tình hình này, đại diện của VIOIT đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm giảm thiểu những tác động của CBAM.
Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu về những tác động của CBAM đối với nền kinh tế nói chung cũng như các nhà sản xuất và người tiêu dùng nói riêng, từ đó đề xuất các phương pháp để giảm thiểu những tác động của cơ chế này, đồng thời xây dựng kế hoạch giảm thiểu lượng khí thải CO2 cho mỗi ngành nghề, sản phẩm.
Thứ hai, phát triển thị trường carbon nội địa và xây dựng chính sách thuế carbon ở Việt Nam, đánh giá tính khả thi của chính sách này, sau đó xác định lộ trình để áp dụng chính sách thuế này ở Việt Nam.
Thứ ba, đơn giản hóa thủ tục tiếp nhận và báo cáo dữ liệu phát thải, đồng thời khuyến khích các công ty ứng dụng các chiến lược và kế hoạch hành động nhằm “ứng phó” với CBAM.
Thứ tư, hướng dẫn cho các doanh nghiệp về chứng chỉ phát thải carbon, cách báo cáo dữ liệu carbon cho các cơ quan hữu quan, cách tiến hành nghiên cứu và ứng dụng các công cụ định giá carbon, đồng thời ứng dụng hệ thống ETS của châu Âu vào quá trình sản xuất.
Dự kiến, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM kể từ tháng 10/2023. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10/2023 đến cuối năm 2025, các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu theo quy định của CBAM nhưng chưa phải trả phí.
Sau khi hệ thống chính thức đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2026, các nhà nhập khẩu EU sẽ phải khai báo hàng năm số lượng hàng hóa và lượng khí thải trong tổng số hàng hóa họ nhập khẩu vào EU trong năm trước đó và nộp lại số lượng giấy chứng nhận CBAM tương ứng.
Nguyễn Tuyết