Ngày 15/3, Công ty Cổ phần Sản xuất thép Việt Đức báo với khách hàng sẽ tăng thêm 600.000 đồng một tấn thép, giá này chưa gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Tương tự, Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên,… cũng tăng giá bán mỗi tấn thép thêm 600.000 đồng.
Giống các lần tăng giá trước, lý do được các bên đưa ra là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng. Đây là lần tăng giá thứ hai trong một tuần qua, với mức tăng thêm phổ biến 1,2 - 1,4 triệu đồng mỗi tấn, đưa giá thép tại một số doanh nghiệp vượt 19 triệu đồng.
Sau thép, các doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng rục rịch điều chỉnh tăng giá bán. Nguyên nhân được các đơn vị này đưa ra là do giá xăng dầu và than đá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao.
Điển hình như Công ty Xi măng Xuân Thành, Công ty Xi măng Hà Tiên 1, Xi măng Sông Lam, Xi măng Hoàng Long… đồng loạt thông báo điều chỉnh tăng giá bán 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm xi măng bao và xi măng rời (đã bao gồm VAT 8%) kể từ ngày 20/3.
Ngoài thép, hiện loạt nguyên vật liệu xây dựng khác như cát, bê tông... cũng tăng giá chóng mặt. Từ đầu năm đến nay, mỗi m3 bê tông cũng tăng giá gấp đôi. Theo chia sẻ của các nhà thầu xây dựng, việc giá loại vật liệu này tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai, đặc biệt là nguy cơ làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công quy mô lớn trong gói chương trình phục hồi kinh tế.
Nhà thầu tự bù chênh lệch giá
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng Tp.HCM (SACA) cho biết, thực tế giá cả vật liệu leo thang 40-50%, thậm chí thép tăng đột biến như hiện nay khiến một số nhà thầu rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
"Nếu tiếp tục thi công công trình thì càng làm càng lỗ, ngược lại không tiếp tục thi công sẽ bị mất uy tín, bị phạt hợp đồng, phạt chậm tiến độ", ông Hải nói.
Theo ông Hải, đối với các đơn vị đóng vai trò tổng thầu sẽ càng chịu nhiều sức ép, từ bão giá vật liệu và nguồn cung nhân lực, vừa huy động và duy trì liên tục lực lượng thầu phụ cho dự án trong khi phải nỗ lực đảm bảo tiến độ với chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của hai năm dịch bệnh, các công trình bị ngưng thi công do thực hiện giãn cách xã hội khiến một lực lượng không nhỏ lao động đã về quê, chuyển qua nghề khác hoặc chuyển địa bàn làm việc nên các nhà thầu xây dựng còn đang đối mặt với khó khăn về nguồn cung lao động khiến chi phí nhân công cũng bị tăng cao mà rất khó được chủ đầu tư bù trượt giá.
Tương tự, ông Trần Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (HoSE: DPG) - đại diện Liên danh nhà thầu thi công gói thầu XL01 Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng nói rằng, việc giá của hầu hết các loại nguyên vật liệu chính yếu trong xây dựng, trong đó giá thép và vật liệu cấp phối đá dăm tăng mạnh khiến cho hoạt động thi công của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Ông cho hay, so với thời điểm Gói thầu XL1 tổ chức đấu thầu (tháng 9/2020), giá thép và các loại vật liệu xây dựng khác đã tăng trung bình khoảng 45%.
Cụ thể, chỉ sau đúng 1 tháng sau khi thắng thầu, giá thép xây dựng đã bắt đầu “nhảy múa”, tăng cao trong quý I/2021 và duy trì đà tăng đột biến trong suốt năm 2021 và kéo dài cho đến hiện tại và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Không chỉ riêng thép tròn, mà tất cả các loại thép phục vụ thi công gói thầu như thép hình, thép tấm, ống siêu âm, cáp dự ứng lực… cũng đồng loạt tăng giá mạnh. Ngoài ra, thời gian qua theo đà tăng mạnh của theo giá xăng dầu, các loại đất đắp, đá, cát sỏi... cũng “ăn theo” và tăng đột biến”, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đạt Phương nói.
Theo chia sẻ của vị này, hiện nay liên danh nhà thầu đang phải thi công công trình trong tình trạng càng thi công càng lỗ. Bởi lẽ, nguồn lực của các nhà thầu, doanh nghiệp dự án đều đã huy động tối đa nguồn vốn để đầu tư theo đơn giá ký kết ban đầu, nhưng hiện giá vật liệu tăng mạnh nên công ty phải bù giá.
“Hiện nay chúng tôi đã thi công xong khoảng hơn 60% dự án và đang rất khẩn trương để hoàn thành theo đúng tiến độ cam kết. Tuy nhiên với tình trạng giá thành của vật liệu còn tăng mạnh rất có thể ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án”, ông Tuấn nói và cho biết, nhiều nhà thầu khác đang thi công tại Dự án cao tốc Bắc - Nam cũng đang phải gánh chịu những khoản thua lỗ tương tự.
Tình trạng này cũng diễn ra Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực - doanh nghiệp chuyên xây dựng giao thông, hạ tầng tại tỉnh Thanh Hoá. Ông Nguyễn Văn Thành – Tổng Giám đốc Công ty cho biết, giá cả của các loại vật liệu xây dựng tăng mạnh ở mức trung bình 20 - 30% như hiện nay - vượt xa mức đơn giá theo tính toán ở thời điểm ký kết.
“Nhìn chung, mức chi phí tăng lên 30% khiến các hợp đồng Công ty đang triển khai đều trong tình trạng thua lỗ”, ông Thành nói.
Thị trường biến động phức tạp, liên tục nên doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc quyết định mức giá cố định phù hợp để chào thầu tại thời điểm đang đàm phán. Chính vì vậy, quá trình đàm phán bị kéo dài, hai bên khó đi đến thỏa thuận chung.
“Với các nhà thầu phụ, có những đơn vị đã hợp tác lâu dài thì họ cũng chấp nhận chịu lỗ cùng với tổng thầu, nhưng thực tế cũng có những đơn vị không chịu được mức tăng giá nên đã bỏ không làm”, ông Thành cho hay.
Dự báo dài hơi giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng
Trong hoạt động kinh doanh, chính các nhà thầu xây dựng phải có hiểu biết giá cả thế giới và có dự báo dài hạn hơn. Nắm bắt được tình hình giá nguyên vật liệu xây dựng, việc lựa chọn các gói thầu ngắn hạn cũng như dài hạn cần phải có sự đánh giá, nhìn nhận từ chính những doanh nghiệp này.
Theo chia sẻ của ông Lê Viết Hải, các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt là các công ty lớn có thể đưa ra các giải pháp đối phó với tình trạng giá vật liệu tăng, bao gồm 3 giải pháp chủ yếu.
"Thứ nhất là tính vào giá dự thầu một tỉ lệ trượt giá phù hợp. Tuy nhiên cách làm này khiến giá dự thầu không cạnh tranh và khả năng trúng thầu thấp. Thứ hai là đàm phán với chủ đầu tư điều kiện bù trượt giá với một tỉ lệ giảm giá khá lớn hoặc nhượng bộ một số điều kiện khác.
Với giải pháp thứ 3, đây là cách làm khá phổ biến, đó là đàm phán với nhà cung cấp đơn giá cố định cho cả dự án ngay sau khi ký kết hợp đồng với chủ đầu tư", ông Hải cho hay.
Cũng nắm bắt được tình trạng doanh nghiệp phải chịu, bù lỗ qua nhiều lần nguyên vật liệu xây dựng tăng giá đột biến, ông Trần Hồng Phúc - Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC) rút ra bài học rằng, nếu doanh nghiệp không lo được dòng tiền để mua được nguyên vật liệu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến biên lợi nhuận.
Là một chủ thầu xây dựng phụ trách nhiều công trình lớn từ Bắc vào Nam, chia sẻ về tình hình của doanh nghiệp trước việc nguyên vật liệu biến động mạnh, ông Phúc cho biết, Phục Hưng Holdings vẫn đủ dòng tiền để đảm bảo hoạt động cho các công trình, bên cạnh việc liên tục đưa ra các giải pháp, dự báo dài hơi để ổn định được mặt bằng giá.
Nói về những giải pháp này, ông Phúc nhấn mạnh rằng, sau mỗi lần ký xong hợp đồng, Công ty sẽ đặt hàng mua nguyên vật liệu ngay tại thời điểm ký.
“Điều này giúp Công ty chủ động trong việc nắm bắt giá và không bị chịu ảnh hưởng lớn khi giá cả biến động mạnh”, ông nói và cho biết, công ty cũng đưa ra các giải pháp khác như tăng thành phẩm để tiết kiệm chi phí hao hụt, cùng với đó là tăng năng suất của người lao động.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ cho các nhà thầu xây dựng.
Theo tính toán của VACC, thép xây dựng chiếm khoảng 18 - 20% giá thành xây dựng chung cư cao tầng, với công trình xây dựng cầu đường chi phí thép xây dựng lớn hơn nên ảnh hưởng rất lớn tới giá thành xây dựng. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát, hạ nhiệt giá, nhiều công trình sẽ vỡ tiến độ, buộc phải dừng thi công.
Ông Hiệp nói rằng, ngành xây dựng hiện đóng góp khoảng 8 - 9% GDP cả nước, nếu ngành xây dựng bị tê liệt chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 – 6,5% của cả năm nay.
Thu Huyền - Mạnh Quốc