Bứt phá vào nhóm tỉnh, thành dẫn đầu cả nước
Năm 1997 khi mới tái lập, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh còn hạn chế, quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và một số làng nghề. Đến nay, sau 25 năm tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy tỉnh Bắc Ninh đã bứt phá mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp là đầu tàu tăng trưởng và là địa phương có nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội nằm trong nhóm đầu cả nước, trong đó 5 chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp, tỉ lệ kiên cố hóa trường lớp học, phổ cập giáo dục, chuẩn y tế, diện tích nhà ở bình quân đầu người đứng thứ nhất cả nước.
Tại Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Đào Hồng Lan nhắc lại truyền thống lịch sử, cách mạng nổi tiếng của vùng đất cổ Kinh Bắc- Bắc Ninh và khẳng định những nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân Bắc Ninh trong công cuộc xây dựng, phát triển Bắc Ninh thành một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Trong suốt 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh cơ bản đã trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, công nghiệp công nghệ cao của cả nước với 16 khu công nghiệp tập trung, với diện tích 6.398 ha. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 1000 lần năm 1997, đứng thứ nhất cả nước; Kinh tế đối ngoại phát triển, với 1.717 dự án, tổng số vốn đăng ký sau điều chỉnh 21,1 tỷ USD, gấp 151 lần năm 1997, đứng thứ 7 cả nước… với nhiều tập đoàn kinh tế lớn, như: Samsung, Canon, Pepsico, Amkor, ABB… DP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng, đứng thứ 4 cả nước.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 1997 - 2021 kinh tế của Bắc Ninh đạt 13,89%/năm. Đặc biệt xuất khẩu năm 2021 đạt 44,9 tỷ USD, chiếm 13,4 % tương đương với Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại hóa nông thôn, bắc Ninh đã có những bước tiến nhảy vọt. Cả tỉnh có trên 1.000 vùng sản xuất lúa, trong đó có 260 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung; trên 70 vùng rau màu chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Giá trị sản xuất trồng trọt trên 01 ha đất canh tác năm 2021 đạt 107,8 triệu đồng, tăng 90,6 triệu đồng so với năm 1997; Đáng chú ý, 100% các xã trong tỉnh Bắc Ninh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành 1 trong 14 tỉnh được công nhận tỉnh nông thôn mới.
Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển; năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng lớn do dịch, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 61,9 nghìn tỷ đồng. Xuất khẩu có bước đột phá, năm 2021 đạt 45,2 tỷ USD, chiếm 13,5% cả nước, đứng thứ nhất cả nước.
Là vùng đất cổ, giàu truyền thống, Văn hóa, thể thao và du lịch được chú trọng, phát triển toàn diện, mang đậm bản sắc văn hóa Kinh Bắc; thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Dân ca Quan họ và có nhiều chính sách hỗ trợ các nghệ nhân.
Chất lượng và quy mô giáo dục, đào tạo có nhiều đổi mới, nâng lên; luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh có phong trào giáo dục phát triển mạnh dẫn đầu cả nước. Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng hiện đại.
Sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả với dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; thực hiện tốt công tác y tế dự phòng; nhiều tiến bộ, công nghệ và kỹ thuật trong y học được ứng dụng. Năm 2018, 100% cấp xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020; tỷ lệ trạm Y tế chuẩn quốc gia đứng thứ nhất cả nước; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân năm 2021 còn dưới 10%; tuổi thọ bình quân đạt 74,4 năm; tỷ lệ Bác sĩ/vạn dân đứng thứ 10 cả nước.
Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo được quan tâm, cải thiện đời sống nhân dân; Quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo và đạt nhiều kết quả.
Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội có nhiều đổi mới, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ. Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được mở rộng. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và phát triển đội ngũ đảng viên được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; Chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được nâng lên, số tổ chức cơ sở Đảng đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau tăng hơn năm trước. Hoạt động của HĐND các cấp và Đoàn ĐBQH tỉnh có nhiều đổi mới, đáp ứng tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển của tỉnh. Tiếp tục củng cố bộ máy chính quyền các cấp và từng bước sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả (thực hiện giải thể, sáp nhập giảm được 233 đơn vị và 272 các chức danh lãnh đạo, quản lý; giảm 3.809 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố).
Quốc phòng, an ninh giữ vững, mở rộng đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường; tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư của 38 quốc gia, vùng lãnh thổ vào địa bàn Bắc Ninh.
Phấn đấu là thành phố công nghiệp công nghệ cao
Về phương hướng và mục tiêu chung, Bắc Ninh phấn đấu giai đoạn 2020 -2025: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, giá trị bản sắc văn hóa Kinh Bắc.
Khai thác có hiệu quả tiềm năng, cơ hội mới; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính; tăng cường quản lý phát triển xã hội, tạo chuyển biến trên các lĩnh vực; tiếp tục thu hút, phát triển công nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển đô thị, phát triển toàn diện văn hóa -xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân.
Giữ vững quốc phòng -an ninh; tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh liên kết vùng. Phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững, cơ bản trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại.
Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bắc Ninh phấn đấu xây dựng tỉnh đến năm 2030 trở thành Thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và cả nước.
Với những kết quả đã được sau 25 năm tái lập, tỉnh Bắc Ninh vinh dự được tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen. Trong đó có Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho cán bộ nhân dân tỉnh Bắc Ninh năm 2019; Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh năm 2022.
190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh
Năm 1831, Bắc Ninh là một trong 18 tỉnh được vua Minh Mạng thành lập đầu tiên ở Bắc Kỳ. Sau nhiều lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính giữa các địa phương, đến năm 1962, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc.
Ngày 6/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Quyết định phê chuẩn việc tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngày 1.1.1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Thị xã Bắc Ninh trở thành thị xã tỉnh lỵ. Tỉnh Bắc Ninh có diện tích là 822,7km2 gồm 5 huyện và 1 thị xã, với 123 xã, phường, thị trấn.
Đến nay, Bắc Ninh có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn và 6 huyện: Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài; với 126 xã, phường, thị trấn.
Hà Anh