Theo thông tin từ bệnh nhân chia sẻ với báo Người lao động, trước đó, cô được bạn bè giới thiệu một cơ sở thẩm mỹ ở 1 chung cư tại Q.4 (TP.HCM) nên cô đã đến đây để sửa mũi.
Tại đây, nữ sinh này được một nhân viên nam khoảng 20 tuổi chích khoảng 1,5 ml chất làm đầy không rõ loại vào vùng mũi. Sau tiêm, do không thấy có triệu chứng gì bất thường nên nữ sinh ra về. Tuy nhiên, đến hôm sau, nữ sinh thấy tê, đau nhức vùng mũi và da xung quanh mắt, sau đó sưng đỏ rồi chuyển sang tím bầm.
Sau khi có triệu chứng sưng tấy, nữ sinh đã tìm đến cơ sở thẩm mỹ trên để phản ánh và được chuyển đến một bệnh viện tại TP.HCM điều trị biến chứng.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, vào khuya 5/11, T. đến bệnh viện trong tình trạng tổn thương nhiễm trùng hoại tử 2/3 trên vùng mũi. BS. Võ Thị Tuyết Nhung - bác sĩ điều trị cho bệnh nhân, cho biết sau khi thăm khám, chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng hoại tử vùng mũi sau khi tiêm chất làm đầy nâng mũi ngày thứ 3.
Bệnh nhân được điều trị kháng viêm, kháng sinh, giảm đau, cắt lọc vùng da hoại tử và tạo hình lại. Hiện tình trạng bệnh nhân tương đối ổn định, còn thâm tím nhẹ vùng mũi. Rất may trường hợp này chưa gây biến chứng về mắt.
Theo các bác sĩ, vùng mũi là một trong những vùng nguy hiểm khi tiêm chất làm đầy vì tại đây hệ thống mạch máu rất dày đặc, có thể gây mù mắt, tắc mạch hoại tử da. Nếu thấy có xuất hiện những dấu hiệu lạ sau khi tiêm chất làm đầy, bệnh nhân cần được đưa ngay đến bệnh viện để được xử trí kịp thời, tốt nhất là trong vòng 60 phút sau khi tiêm vào cơ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo chị em muốn làm đẹp thì nên tìm hiểu kỹ cơ sở được cấp phép, người thực hiện có được cấp chứng chỉ hành nghề để tiến hành làm đẹp hay không. Ngoài ra, thuốc được đưa vào cơ thể phải có nguồn gốc rõ ràng để tránh các trường hợp đáng tiếc.
Phong Linh (tổng hợp)