Tại hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” sáng nay (9/5), Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo về tác động của dịch covid-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Doanh nghiệp đứng trước khó khăn kép
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Hiện nay, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch Covid-19, các động đời sống xã hội đã trở lại bình thường, đất nước đang đứng trước vận hội mới, thời cơ mới. Thủ Tướng Chính phủ đã quyết định tổ chức hội nghị với doanh nghiệp nhằm phát huy nội lực, tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh, nắm bắt cơ hội, tạo đà phát triển kinh tế”.
“Qua dự báo từ các tổ chức uy tín quốc tế, đại dịch Covid- 19 khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 3%, đẩy thêm hơn nửa tỷ người trên thế giới vào cảnh nghèo đói, GDP của một số nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ sụt giảm mạnh như Mỹ âm 5,9%, Anh âm 6,3% và khu vực đồng tiền chung Châu Âu âm 7,5%.
Trong khi đó, Việt Nam đã nỗ lực đạt được trạng thái tích cực, tăng trưởng GDP quý 1 năm 2020 là 3,82%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 83 tỷ USD tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước… Tuy nhiên, Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, lực lượng doanh nghiệp là quan trọng của nền kinh tế hiện đang bị tổn thương nặng nề, đối mặt với khó khăn kép, vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra…
Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu sụt giảm dẫn đến tình trạng thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động, ngừng sản xuất nhất là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa”, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải .
Cuối tháng 4 vừa qua, bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khảo sát nhanh tại 130 nghìn doanh nghiệp, có 86% bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, doanh thu 4 tháng đầu năm dự kiến giảm mạnh khoảng 70% so với cùng kỳ 2019. Một trong những khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt vốn lưu động và phải cắt giảm tiền lương của người lao động.
Cũng theo người đứng đầu bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua khảo sát gần đây cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã rất chủ động có các giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế. Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới. Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…
Doanh nghiệp cần "cơ chế" hơn cần tiền
Điều đáng mừng là trong giai đoạn rất khó khăn hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn. Khoảng 90% doanh nghiệp được khảo sát sẵn sàng giúp đỡ các doanh nghiệp khác; trên 50% DN thực hiện giãn công nợ cho doanh nghiệp đối tác; gần 50% doanh nghiệp thực hiện giảm giá; gần 40% chia sẻ khách hàng với doanh nghiệp khác...
“Nhiều doanh nghiệp đã chung vai chia sẻ với Chính phủ trong địa dịch Covid-19 vừa qua. Với tinh thần luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, thời gian qua người đứng đầu Chính phủ, các bộ ngành địa phương đã thường xuyên gặp gỡ trao đổi, năm bắt kịp thời nhứng khó khăn của doanh nghiệp và chỉ đạo kịp thời các chính sách, giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi, kỳ vọng vào những chính sách và hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cơ quan Nhà nước để đồng hành cùng doanh nghiệp, chớp lấy cơ hội trong tình hình dịch Covid đang được kiểm soát tốt. Trong các kiến nghị của doanh nghiệp, đáng chú ý đề xuất triệt để đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính minh bạch, nhất quán trong các chính sách, thái độ phục vụ và tính công minh, sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ thực thi. Đây là điều các doanh nghiệp mong mỏi nhất từ các cấp chính quyền hơn là hỗ trợ bằng tiền.
Trong bổi cảnh hiện nay, người đứng đầu bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện tượng mua bán, sát nhập nhập doanh nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể bị thâu tóm với giá rẻ.
Chính vì vậy, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng để biến nguy thành cơ, làm thế nào trỗi dậy mạnh mẽ hơn nữa, tìm ra hướng đi đúng tạo ra kỳ tích thì việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị như đối với công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua. Rà soát cắt giảm và không tạo thêm các rào cản về thủ tục hành chính, pháp lý cho doanh nghiệp. Loại bỏ triệt để tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp của một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, sự trì trệ, thiếu trách nhiệm tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở.
Đổi mới mạnh mẽ quan điểm, phương pháp tiếp cận khi xây dựng các chính sách liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh theo hướng chọn - bỏ, dễ hiểu, dễ áp dụng, đảm bảo thực thi chính sách một cách thống nhất, kịp thời, có tầm nhìn dài hạn, ổn định, không phân biệt đối xử, nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách.
Tăng cường các điều kiện cần thiết về cơ sở pháp lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… để đảm bảo môi trường thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển, đồng thời nắm bắt triệt để các cơ hội, thời cơ mới, thu hút dòng đầu tư và các nguồn lực bên ngoài, tạo đà bứt phá cho tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời gian qua, các giải pháp Chính phủ ban hành để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh như gia hạn nộp thuế, ưu đãi về thuế, tín dụng, hỗ trợ người lao động, giảm chi phí cho doanh nghiệp… đã được triển khai hiệu quả.
Hương Lan