Chính vì tính chất nguy hiểm của căn bệnh polyp tuyến gia đình, PV báo điện tử Trí Thức Trẻ có bài phỏng vấn TS. BS Nguyễn Quang Thái, Trưởng Khoa Phẫu thuật tổng hợp Bệnh viện K Trung ương nhằm giúp độc giả nâng cao nhận thức để có thể phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này.
PV: Xin bác sĩ cho biết thế nào là bệnh đa polyp tuyến gia đình?
TS. BS Nguyễn Quang Thái: Polyp là sự phát triển bất thường của các mô ở niêm mạc có hình dạng như khối u. Đa polyp tuyến gia đình là bệnh có hàng nghìn polyp ở đại trực tràng, tiêu chuẩn chẩn đoán của nó là phải ở tất cả các phần của đại tràng (bao gồm đại tràng phải, đại tràng trái, đại tràng ngang, đại tràng sigma và trực tràng) với số lượng 100 polyp trở lên.
Người bị bệnh có thể là người đầu tiên trong dòng họ nên yếu tố tiền sử không cần quan tâm đến. Tuy nhiên, đây là bệnh mang tính chất gia đình, thông thường gặp ở những người có họ hàng cận huyết bậc 1 tức là bố mẹ, anh chị em ruột.
PV: Nguy cơ polyp tuyến gia đình phát triển thành ung thư có cao không, thưa bác sĩ?
TS. BS Nguyễn Quang Thái: 100% người mắc polyp tuyến gia đình đều sẽ bị ung thư, vấn đề là ung thư ở tuổi nào. Thông thường, tất cả những bệnh nhân có polyp tuyến gia đình đều có nguy cơ ung thư trước 40 tuổi, không có bệnh nhân nào sau 40 tuổi mà không bị ung thư.
Người ta nghi nhận các trường hợp dưới 40 tuổi đa số cũng bị ung thư rồi và mắc đa polyp nếu không cắt bỏ đại trực tràng thì nguy cơ ung thư là 100%.
PV: Bác sĩ có thể cho biết con số thống kê tỷ lệ mắc polyp tuyến gia đình ở nước mình có cao không?
TS. BS Nguyễn Quang Thái: Cứ 100 người mắc ung thư đại trực tràng thì có chưa tới 1% xuất phát từ polyp tuyến gia đình. Tỷ lệ này trong ung thư đại trực tràng là không cao nhưng đã mắc rồi thì nguy cơ biến thành ung thư lại rất cao.
PV: Trong thực tế điều trị, bác sĩ đã gặp nhiều người trong một gia đình cùng mắc bệnh này chưa?
TS. BS Nguyễn Quang Thái: Năm 2004, tôi đã từng công bố nghiên cứu về 9 gia đình mắc ung thư đại trực tràng. Gần đây nhất, tôi cũng mổ cho 1 gia đình cả bố cả con cùng nằm viện cắt toàn bộ đại trực tràng. Một năm cũng phải có vài ba trường hợp. Trong 1 gia đình có thể có 2, 3 người mắc, bố con anh chị em cùng mắc, cũng có gia đình chỉ có 1 người bị, những người khác thì không sao.
PV: Những triệu chứng nào có thể báo hiệu căn bệnh polyp tuyến gia đình?
TS. BS Nguyễn Quang Thái: Khi có polyp, chức năng đại tràng không còn được nguyên vẹn nữa mà tăng nhu động lên, thời gian hấp thu nước giảm đi thì sẽ gây ra hiện tượng đi lỏng. Có những polyp lớn vỡ ra gây chảy máu nên bệnh nhân có thể gặp hiện tượng đi ngoài ra máu. Ngoài ra còn có thể gặp triệu chứng đau bụng và một số triệu chứng giống như các rối loạn tiêu hóa khác.
Cần chú ý triệu chứng đi ngoài ra máu bởi các nghiên cứu ở quần thể ung thư đại trực tràng ở Việt Nam cho thấy thường có từ 50 - 60% bệnh nhân có đi ngoài ra máu bởi thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Ở một số nước có nền y học phát triển, người bệnh thường được phát hiện bệnh sớm hơn thì con số này chỉ từ 30 - 40%.
PV: Vậy bác sĩ có khuyến cáo gì về triệu chứng giúp người bệnh phát hiện sớm căn bệnh này?
TS. BS Nguyễn Quang Thái: Kể cả trong trường hợp người bệnh không biết mình có mắc polyp tuyến gia đình hay không thì những người có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa, đi ngoài ra máu, gầy sút thì cần đến bệnh viện để bác sĩ tiến hành soi đại tràng để chẩn đoán kịp thời nhằm không bỏ lỡ cơ hội điều trị.
Ngoài ra, những người dưới đây có nguy cơ cao mắc ung thư đại trực tràng cần phải đưa vào nhóm tầm soát:
- Người trong gia đình đã có 2,3 người ung thư đại trực tràng rồi
- Người đã được chữa bệnh viêm loét đại trực tràng, polyp đại trực tràng
- Người có ung thư gần với ung thư đại trực tràng như ung thư buồng trứng, ung thư hạch, ung thư dạ dày
- Người trên 50 tuổi
PV: Nếu 1 người đã được chẩn đoán mắc polyp tuyến thì bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người thân còn lại trong gia đình?
TS. BS Nguyễn Quang Thái: Những người đã được chẩn đoán bệnh đa polyp tuyến gia đình là những người có nguy cơ rất cao mắc bệnh ung thư đại trực tràng và trong chương trình sàng lọc thì 100% các thành viên cận huyết bậc 1 (mẹ đẻ ra con, anh em ruột cùng bố cùng mẹ) phải soi đại tràng và tầm soát toàn bộ.
Những người bố mẹ chỉ cần mắc đa polyp tuyến cũng đã phải cho vào nhóm nguy cơ và cần tầm soát.
PV: Xin bác sĩ cho biết biện pháp xử lý chuyên môn khi gặp bệnh nhân mắc đa polyp tuyến gia đình?
TS. BS Nguyễn Quang Thái: Trong điều trị đa polyp tuyến gia đình, thái độ xử lý mà bác sĩ khuyến cáo là cắt đại tràng càng sớm càng tốt vì nguy cơ ung thư là 100% và sau 40 tuổi không thể lành tính được. Vì thế người ta khuyên phải cắt ngay. Tuy nhiên, áp dụng phương pháp phẫu thuật nào thì có cân nhắc.
Ví dụ những người bị polyp ở trực tràng mà chưa biến thành ung thư, nếu cắt ngay trực tràng và phải đeo hậu môn nhân tạo vĩnh viễn thì chất lượng sống của bệnh nhân sẽ giảm đi rất nhiều trong khi họ chưa mắc bệnh ung thư.
Trong trường hợp đấy, phẫu thuật viên có thể cân nhắc xem lượng polyp ở trực tràng nếu tương đối thấp thì có thể giữ lại cơ tròn, nối hồi tràng với trực tràng, sau đó phải cắt đốt thật tốt những polyp ở phía dưới.
Mặc dù vậy, nguy cơ phần trực tràng còn lại sau khi cắt polyp biến thành ung thư rất cao nên phải thảo luận với gia đình. Một là phải cắt triệt căn ngay, tức là cắt hết luôn và đeo hậu môn giả. Hai là phải chấp nhận nguy cơ những polyp sau này sẽ biến thành ung thư để giữ lại hậu môn thật.
Trong trường hợp polyp ở đại tràng biến thành ung thư trước thì chúng ta có thể cố gắng giữ được cơ tròn, nhưng phải cắt đốt hết các polyp ở phía dưới. Nhưng nếu polyp dưới trực tràng biến thành ung thư trước thì đương nhiên phải cắt hết toàn bộ phía dưới và làm hậu môn nhân tạo.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
Theo Trí Thức Trẻ