Những ồn đoán về số phận của ông Chu đã rộ lên từ khi một đồng minh thân cận là cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai ngã ngựa từ năm ngoái.
Thông tin về việc điều tra ông Chu Vĩnh Khang bắt đầu xuất hiện từ hôm 21/10 trên tờ South China Morning Post. Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thành lập một đơn vị đặc biệt để điều tra những cáo buộc về tội tham nhũng đối với ông Chu Vĩnh Khang. Đơn vị này do ông Phó Chính Hoa, Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Giám đốc Sở Công an Bắc Kinh đứng đầu.
Theo giới quan sát, ông Chu Vĩnh Khang có thể bị điều tra tội danh tham nhũng trong thời gian ông phụ trách ngành xăng dầu, làm Bí thư Tứ Xuyên và Bí thư Ủy ban Chính Pháp.
Cũng trong ngày này, tài khoản Twitter của Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) xuất hiện một tin nhắn cho biết, Trung Quốc tiến hành điều tra ông Chu Vĩnh Khang. Nhưng chỉ 2 giờ sau đó, CCTV đã xóa bỏ thông tin này.
Theo tài liệu do Wikileaks tiết lộ hồi năm 2009, các nhà chức trách Mỹ tin rằng, một nhóm người do ông Chu Vĩnh Khang và người con trai là Chu Bân dẫn đầu đã kiểm soát ngành dầu khí của Trung Quốc trong suốt nhiều năm.
Ông Chu Vĩnh Khang.
Trước đó, hàng loạt các nhân vật như Tưởng Khiết Mẫn, cựu Tổng giám đốc của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản nhà nước cũng bị bắt, được cho là có liên quan tới Chu Vĩnh Khang.
Hôm 2/12, một thông cáo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, trong năm 2012 nước này đã trừng phạt gần 20.000 công chức quan liêu. Tuy nhiên, báo cáo không nêu cụ thể hình thức kỷ luật.
Ông Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942, người tỉnh Giang Tô, tốt nghiệp Viện Dầu khí Bắc Kinh (nay là Đại học Dầu khí Trung Quốc) vào năm 1966.
Ông lãnh đạo Công ty dầu khí quốc gia từ năm 1996 - 1998 rồi chuyển sang làm Bộ trưởng Đất đai và Tài nguyên đến năm 1999.
Sau đó, ông trở thành Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên trong giai đoạn 1999 - 2002 rồi vào Bộ Chính trị.
Từ 2002, ông Chu Vĩnh Khang chính thức đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.
Trong giai đoạn từ 2007 tới 2012, ông là Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Trung Quốc, phụ trách Ủy ban Chính Pháp đầy quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc, trước khi chính thức nghỉ hưu vào hồi tháng 3 năm nay.
Ông Chu Vĩnh Khang được cho là một trong những chính trị gia quyền lực nhất tại Trung Quốc trong suốt thập kỷ qua.
Trong nhiều thập niên qua, chưa hề có Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị nào của Trung Quốc dẫu là đương chức hay đã nghỉ hưu bị điều tra.
L.A