Theo tờ The Guardian, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa (trái phép) các thực thể trên Biển Đông chỉ vài giờ sau khi nhóm chuyển giao quyền lực của ông lên tiếng phủ nhận luận điểm cho rằng cuộc điện đàm mới đây của ông Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan đánh dấu một chính sách mới của Mỹ với Trung Quốc.
"Liệu Trung Quốc có hỏi chúng ta rằng việc họ phá giá đồng nội tệ (khiến cho các công ty Mỹ khó khăn trong việc cạnh tranh), áp thuế cao đối với các sản phẩm của Mỹ nhập khẩu vào nước này (trong khi Mỹ không đánh thuế họ) hoặc xây dựng tổ hợp quân sự ở giữa Biển Đông... có được không? Tôi nghĩ là không!", ông Trump viết trên Twitter.
Trước đó tổng thống đắc cử Donald Trump phá vỡ nền tảng quan hệ ngoại giao thận trọng suốt nhiều thập kỷ giữa Mỹ và vùng lãnh thổ Đài Loan khi ngày 2-12, ông điện đàm với bà Thái Anh Văn, một động thái có nguy cơ gây rạn nứt nghiêm trọng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Cuộc điện đàm kéo dài 10 phút của ông Trump với bà Thái Anh Văn hôm 2/12 là cuộc điện đàm đầu tiên của một tổng thống đương nhiệm hoặc tổng thống đắc cử Mỹ với một nhà lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ đang chờ thống nhất của mình và bất kỳ động thái nào của Mỹ, dù là ngụ ý, hỗ trợ cho nền độc lập của đảo này như gọi người đứng đầu chính quyền Đài Loan là tổng thống, đều được coi là một sự xúc phạm đối với Bắc Kinh.
Bình luận về cuộc điện đàm của ông Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc), tờ Finance Times cho rằng ông Trump đã châm ngòi "bão lửa" trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Phó tổng thống đắc cử, Mike Pence, trong một tuyên bố đã cố gắng để làm giảm nhẹ suy đoán cho rằng khả năng ông Trump có thể gây nên sự rạn nứt trong mối quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh thông qua cuộc đàm thoại với bà Thái Anh Văn.
Ông Mike Pence cho biết, hành động của ông Trump chỉ là "cuộc gọi xã giao".
Tuy nhiên, động thái này đã khiến thế giới băn khoăn tự hỏi liệu đây là một “tai nạn” ngẫu nhiên hay đó là dấu hiệu báo trước rằng vấn đề Đài Loan sẽ được đưa trở lại vị trí trung tâm trong chiến lược về Trung Quốc mà ông Trump sẽ theo đuổi?
Kể từ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, trước cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan cùng với những khẳng định viết trên Twitter, vị Tổng thống Mỹ mới đắc cử đã tiến hành các cuộc điện đàm khác nhau với nhiều nhà lãnh đạo thế giới. Mỗi cuộc điện đàm đó đều ẩn chứa quan điểm, ý định trong chính sách đối ngoại mà ông chủ mới của Nhà Trắng có thể thực hiện.
Những người ủng hộ ông Trump thì ngợi ca phong cách lãnh đạo mới và phá cách của ông. Còn những người chỉ trích thì lo ngại rằng Tổng thống đắc cử có thể tạo nên nguy cơ bùng phát khủng hoảng do việc không chuẩn bị kỹ càng trong lời nói, hành động hay không chịu nghe cố vấn của mình.
“Điều mà chúng ta cần nhận ra rằng chúng ta đang bước vào kỷ nguyên của những tuyên bố, lời nói và hành động không được cân nhắc kỹ lưỡng gây ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại”, ông David Rothkopf, Tổng Biên tập tạp chí "Chính sách Đối ngoại" cho hay.
Tuy nhiên, theo tờ Finance Times, phía Trung Quốc đã đã lựa chọn cách tiếp cận thận trọng trước những động thái của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.
Trung Quốc cũng đã cố gắng giảm nhẹ tác động của cuộc điện đàm vừa qua giữa ông Donald Trump và bà Thái Anh Văn đối với quan hệ song phương Trung Quốc - Mỹ.
Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết ông Trump đã "thiếu kinh nghiệm" khi chấp nhận cuộc điện thoại, nhưng cảnh báo rằng bất kỳ hành vi vi phạm chính sách "Một Trung Quốc" sẽ "tiêu diệt" mối quan hệ Trung-Mỹ.
Trong bình luận mới đăng tải, tờ China Daily đổ lỗi cho nhóm cố vấn của ông Trump thiếu kinh nghiệm và "thiếu một sự hiểu biết đúng đắn về các vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Trung-Mỹ và quan hệ xuyên eo biển" thay vì chỉ trích Tổng thống đắc cử.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thúc giục phía Mỹ xử lý cẩn trong vấn đề Đài Loan để tránh nhiễu loạn không cần thiết trong mối quan hệ song phương.
China Daily cho biết, nhà lãnh đạo Đài Loan đã "không đạt được gì đáng kể" trong bước đi đột phá nhằm tạm thời chuyển hướng sự chú ý của công chúng trên đảo về những rắc rối trong chính quyền của bà, đồng thời cảnh báo những nỗ lực "khuấy động căng thẳng ... cuối cùng sẽ phản tác dụng".
Cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman, trong cuộc trả lời phỏng vấn với Fox News cho rằng Bắc Kinh đã "không làm to chuyện" sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và bà Thái Anh Văn. Vì lẽ đó nên theo ông Huntsman: "Không có phản ứng quá khích liên quan đến vấn đề này".
Theo Reuters, sự phản ứng thận trọng của Trung Quốc trước các động thái trên của ông Trump là nhằm tránh những động thái bất lợi. Việc trừng phạt Đài Loan hay "ve vãn" đồng minh của hòn đảo này đều có thể dẫn tới kết cục không mong muốn là tăng cường quân sự tại nơi này.
Hơn nữa, theo Reuters, "chắc chắn ông Trump không không có ý định thách thức Trung Quốc bởi đó không phải là tham vọng của ông và cũng không phải là lời hứa với các cử tri. Ông Trump chỉ đang cố thăm dò Trung Quốc ra và thúc đẩy một số lợi ích nhỏ".
Đào Vũ